Có lý do để lo lắng
Trong rất nhiều năm qua, có nhiều dự án phát triển, kể cả các dự án đầu tư nước ngoài, yếu tố môi trường không được quan tâm đúng mức, thậm chí không hề được quan tâm. Hàng loạt nhà máy từ chế biến thực phẩm, nhà máy đường cho đến những nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí hoá chất... vô tư xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Cộng đồng có lý do để lo lắng bởi lẽ, khung pháp lý về môi trường còn “thừa lỗ hổng và thiếu tính răn đe”. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, Việt Nam có khoảng 300 văn bản về pháp luật bảo vệ môi trường được ban hành. Không thể nói con số ấy là ít, nhưng lại thiếu nhiều những quy định quan trọng, hoặc cụ thể.
Chẳng hạn như chưa ban hành được thuế bảo vệ môi trường; chưa quy định chi tiết trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường; thiếu chính sách cụ thể khuyến khích bảo vệ môi trường. Ngôn từ trong Luật bảo vệ môi trường gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Các văn bản pháp lý thay đổi luôn, có những văn bản ban hành chưa được một năm đã lạc hậu. Văn bản pháp luật nhiều nhưng lại thiếu tính răn đe.
Xin dẫn chứng, Tổng Công ty giấy Bãi Bằng đóng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã từng gây ô nhiễm và bị phạt 30 triệu đồng. Mức phạt này là quá thấp và không có tính răn đe.
Tổng công ty giấy Bãi Bằng đóng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã từng gây ô nhiễm và bị phạt 30 triệu đồng. Mức phạt này là quá thấp và không có tính răn đe đối với một doanh nghiệp lớn có mức lãi ròng tới 10 tỷ đồng mỗi năm.
Hay như Nhà máy bia Hà Nội, một cơ sở sản xuất lớn, nước thải gây ô nhiễm môi trường nhiều năm, bị đề xuất mức phạt cao nhất, nhưng cũng chỉ là 32 triệu đồng. Với mức phạt ấy, các cơ sở sản xuất sẵn sàng nộp phạt chứ không chịu đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải.
Hơn nữa, tình trạng cơ sở sản xuất nằm giữa khu vực dân cư và cộng đồng người dân phải chịu cảnh ô nhiễm nhiều năm vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Đơn từ khiếu nại được gửi đi nhiều nhưng tình hình không được cải thiện. Tình trạng ấy làm người ta có cảm giác đang bị thách thức nhưng đành chịu.
Đơn cử như vụ Vedan Việt Nam ở Đồng Nai đầu độc sông Thị Vải. Theo cách nói trước đó của ngành môi trường thì hành vi xâm hại này là rất “xảo trá”, xây dựng cả một hệ thống xả thải ngầm, hoạt động tinh vi, che mắt được cơ quan chức năng suốt 14 năm trời. Suốt 14 năm ấy, Vedan xả đến 25 triệu m3 nước thải đầu độc sông Thị Vải. Nước sông đen đặc, cá chết hàng loạt, vỏ tầu bị ăn mòn... Thế nhưng tình trạng ô nhiễm chỉ thực sự được chú ý khi hồi giữa năm ngoái, có nhiều hãng tầu biển nước ngoài từ chối vào các cảng trên sông Thị Vải vì lý do nước sông bị ô nhiễm đe doạ ăn mòn vỏ tàu
Riêng trường hợp Vedan, cộng đồng càng có lý do để lo lắng. Vụ việc trắng đen đã rõ, Vedan đã bị phạt tiền, đã trị truy thu phí xử lý nước thải... và ngành môi trường dường như đã rất mừng khi phía gây ô nhiễm môi trường cuối cùng cũng đã chấp nhận bản án.
Cái cách xử lý như thế lại khiến cộng đồng lo lắng, vì rằng hậu quả mà Vedan gây ra cho cộng đồng lớn hơn gấp nhiều lần những gì mà doanh nghiệp này đã chịu phạt. Và cái cách đền bù, hỗ trợ mập mờ cũng làm hàng ngàn hộ nông dân bị hại không hài lòng.
Đền bù và hỗ trợ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Những nông dân đang đòi hỏi Vedan đền bù cho những thiệt hại do Vedan gây ra. Họ đang là nguyên đơn trong vụ kiện này chứ không phải đối tượng xin được hỗ trợ. Và bài học về Vedan chưa dừng lại, luôn luôn mới. Luật môi trường được ban hành năm 1993, theo đó tất cả các dự án đầu tư đều phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong quá trình hoạt động không được gây ô nhiễm môi trường, nhưng vẫn có nhiều cơ sở đi vào sản xuất mà không đáp ứng được những đòi hỏi ấy. Không ít dự án báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ là hình thức để hoàn thành thủ tục cấp phép. Các cơ sở sản xuất xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nhưng chỉ hoạt động đối phó khi có thanh tra. Những cơ sở ấy ngang nhiên gây ô nhiễm môi trường từ năm này sang năm khác.