Thêm một dự án thép gần 10 tỉ đô la
Những con số kỷ lục
Dự án Khu liên hợp thép Cà Ná là liên doanh giữa tập đoàn Lion (Malaysia) và tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 9,8 tỉ đô la Mỹ, trong đó phía đối tác nước ngoài góp 74%, phía Việt Nam góp 26%.
Thời gian thuê đất của dự án là 50 năm. Công trình dự kiến sẽ được thực hiện tại khu vực Cà Ná, huyện Ninh Phước với tổng diện tích sử dụng cho 4 giai đoạn là 1.650 héc ta mặt đất và 330 héc ta mặt biển, hình thành khu liên hợp thép với công nghệ lò cao, lò chuyển ô-xy, lò tinh luyện, cán nóng và cán nguội.
Tổng quy mô công suất của 4 giai đoạn (2008-2025) là 14,42 triệu tấn thép thô/năm.
Ngoài ra, dự án còn có các cơ sở hạ tầng phụ trợ bao gồm nhà máy điện và cảng biển phục vụ nhu cầu nội bộ của khu liên hợp thép.
Vốn đầu tư thực hiện giai đoạn I (2008-2010) là khoảng 2,75 tỉ đô la Mỹ, với công suất thiết kế khoảng 4,5 triệu tấn/năm.
Theo kế hoạch, liên doanh thép Vinashin-Lion sẽ cho khởi công dự án vào quí 1-2009 và sẽ đưa vào hoạt động các hạng mục giai đoạn I vào quí 1-2011.
Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất là quặng sắt, than cốc nhập khẩu và mua trong nước, sản phẩm sẽ phục vụ cho nhu cầu trong nước, nhất là cho công nghiệp đóng tàu và xuất khẩu.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, đây là dự án có vốn đầu tư lớn, việc thực hiện dự án sẽ tạo bước tăng trưởng đột phá cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh.
Với dự án này, liên doanh Vinashin-Lion đã vượt qua dự án FDI lớn nhất được cấp phép vào giữa tháng 6, đó là dự án khu liên hợp thép có vốn đầu tư gần 7,9 tỉ đô la Mỹ ở Hà Tĩnh do tập đoàn công nghiệp nặng Formosa của Đài Loan đầu tư.
Nguy cơ bội thực
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại về tính chuyên nghiệp của hai nhà đầu tư khu liên hợp thép này. Tập đoàn Lion Diversified Holding Behard là tập đoàn kinh doanh đa ngành và không thuộc hàng ngũ các công ty sản xuất thép lớn trên thế giới. Còn tập đoàn Vinashin lại là đơn vị đóng tàu, thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thép và điện.
Với những dự án đầu tư thép có quy mô lớn như hiện nay, các chuyên gia còn lo ngại về sự quá tải công suất, khả năng ảnh hưởng đến môi trường và mức độ sử dụng lớn diện tích đất đai cũng như năng lượng.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, đến năm 2010, Việt Nam sẽ cần khoảng 10 triệu tấn thép các loại. Và các dự án thép đang báo hiệu sự dư thừa công suất lớn.
Ước tính, với 4 dự án của Tổng công ty Thép, Tổng công ty Xi măng Việt Nam và tập đoàn Tata (4,5 triệu tấn); dự án của tập đoàn Formosa (7,5 triệu tấn); dự án của Tổng công ty Thép, Tổng công ty Cao su và Essar (2 triệu tấn), dự án Posco (3 triệu tấn) thì đến năm 2015, sản xuất thép đạt công suất trên 15 triệu tấn, chưa kể công suất thép cả nước hiện tại là 6 triệu tấn.
Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho biết, tính đến nay, Chính phủ đã cấp giấy phép chứng nhận đầu tư cho nhiều dự án thép và tổng công suất của các dự án thép này lên đến 40 triệu tấn/năm.