Thời điểm tuyệt vời để kinh doanh tại Việt Nam

 

Năm 2017 - tiền đề cho giai đoạn phát triển mới
Tại hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2017” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 9/3 tại TPHCM, nhận định về diễn biến của thế giới trong thời gian qua, các chuyên gia đều cho rằng, tình hình kinh tế thế giới hiện nay đang phức tạp bởi những vấn đề địa chính trị, chính sách của nhiều nước lớn chưa rõ ràng.
 
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, dù diễn biến tại các nước lớn như thế nào, thì kinh tế thế giới vẫn hồi phục khá yếu và không đồng đều. Đặc biệt là tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hóa thế giới đã suy giảm mạnh trong vài năm trở lại đây, thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới và được dự báo năm 2017 vẫn sẽ như vậy. Đây là điều chưa từng có trong chục năm trước đó và giờ nó có thể chịu thêm ảnh hưởng từ chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng gia tăng.
 
Việt Nam muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% trở lên, thì chính sách kinh tế vĩ mô phải ổn định, đủ linh hoạt, đủ cẩn trọng và có vai trò quan trọng trong việc tái cấu trúc, đặc biệt là xử lý những yếu kém của hệ thống tài chính-ngân hàng và cải cách khu vực DN Nhà nước.
 
TS. Trần Du Lịch cho rằng, trong bối cảnh chung của nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, đối diện với nhiều thách thức trước mắt và lâu dài, Chính phủ không chỉ nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của cả nhiệm kỳ 2016-2020, mà quan trọng hơn là phải tạo ra động lực mới cho sự phát triển. Do đó, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm của một Chính phủ hành động, ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.
 
Theo nhận định của TS. Trần Du Lịch, tuy giữa chính sách và thực tiễn của cuộc sống vẫn có khoảng cách nhất định, nhưng nhờ vào những cải cách về thể chế kinh tế đã và đang triển khai đã tạo điều kiện cho nền kinh tế vận hành mang tính thị trường hơn, nguồn lực xã hội có điều kiện huy động tốt hơn và nhất là những thách thức trong hội nhập cũng chính là cơ hội để Việt Nam vượt qua những hạn chế của chính mình để phát triển.
 
“Năm 2017 còn nhiều khó khăn, nên chưa thể kỳ vọng đến một sự tăng trưởng đột phá nào đó, nhưng hy vọng sẽ là năm chuẩn bị điều kiện cần thiết cho giai đoạn phát triển mới”, ông Trần Du Lịch chia sẻ.
 
DN lạc quan về môi trường đầu tư tại Việt Nam
 
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho biết: “Chúng tôi tiếp tục nhìn nhận lạc quan trong thận trọng về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2017. Kinh tế vĩ mô hiện tại đang trong giai đoạn ổn định và GDP vẫn tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần phải để ý tới mức độ lạm phát và lãi suất trong năm nay”.
 
Bên cạnh đó, Chính phủ nên lưu tâm tới một số nhân tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến Việt Nam, như việc Chính phủ Mỹ có thể sẽ có những chính sách thương mại mới mang tính bảo hộ, gây ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam; đồng nhân dân tệ mất giá có thể khiến xuất khẩu của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và các vấn đề khác.
 
Cũng theo ông Don Lam, Chính phủ đang đi đúng hướng để khuyến khích tăng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam; đồng thời kỳ vọng các cải cách quan trọng của Chính phủ để làm vững chắc hệ thống ngân hàng, khiến đầu tư từ khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng trở nên hấp dẫn hơn, tăng tính minh bạch trong công tác cổ phần hóa và lên sàn, giảm thiểu các thủ tục hành chính và tiếp cận gần hơn tới tiêu chuẩn quốc tế.
 
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù diễn biến kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, nhưng hiện nay, Việt Nam vẫn là điểm đến kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
 
Mới đây, tại buổi công bố Sách Trắng 2017 do Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức vào đầu tháng 3 tại Hà Nội, đại diện cơ quan này nhận định, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự nắm bắt sát sao các vấn đề liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo nhận định của EuroCham, với việc nới rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI vào Việt Nam được mong đợi sẽ tiếp tục tăng.
 
Trong khi đó, khảo sát mới được công bố gần đây của Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN Nhật Bản năm 2016 cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nổi bật tại châu Á với các nhà đầu tư từ xứ sở “Mặt trời mọc”. Cụ thể, có đến gần 67% DN Nhật Bản mong muốn mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam.
 
Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM cho biết, năm 2017 và các năm tới, nhà đầu tư Nhật Bản vẫn có xu hướng rót vốn vào ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ và những dịch vụ liên quan đến nhu cầu thiết yếu của người dân ở Việt Nam. Từ đó, DN Việt Nam cũng sẽ có cơ hội phát triển theo như cung cấp nguyên liệu, sản phẩm đầu vào cho DN Nhật Bản phù hợp với thị hiếu và thói quen tiêu dùng địa phương.