“Cởi trói” cho đầu tư PPP

“Cởi trói” cho đầu tư PPP

Tuy vậy, để việc thu hút vốn đầu tư PPP hiệu quả, cần có cái nhìn toàn diện về xu hướng nguồn vốn đầu tư này và những cách làm phù hợp hơn.

Quyết định 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã bước đầu mở hành lang pháp lý cho việc thí điểm một loại hình đầu tư mới - mô hình đối tác công - tư kết hợp (public - private partnerships - PPP). Tuy nhiên, thực tế sau 2 năm triển khai thí điểm đã phát sinh những bất cập, vướng mắc mới đòi hỏi phải có sự điều chỉnh thêm về hành lang pháp lý.

Đến nay mới chỉ có 2 dự án PPP được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương đầu tư, trong đó có dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với vốn đầu tư 23.223 tỷ đồng và 15 dự án đang triển khai nghiên cứu. Năm ngoái, TP. Hồ Chí Minh từng đề xuất thí điểm 4 dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP nhưng không được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận vì nhiều lý do, trong đó đặc biệt là vì khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện.

Theo Ban chỉ đạo về đầu tư theo hình thức PPP, vướng mắc lớn nhất trong triển khai dự án PPP ở Việt Nam là việc Quyết định 71 chỉ giới hạn phần tham gia của Nhà nước trong một dự án PPP không quá 30% tổng vốn đầu tư của dự án, mà không tính tới đặc thù của từng dự án. Điều này đã khiến một số dự án PPP tiềm năng, nhưng yêu cầu phần tham gia của Nhà nước vượt quá 30%, nên đã không được chấp nhận.

Với mục tiêu tạo bước đột phá, đẩy mạnh thí điểm mô hình đầu tư mới này, được sự đồng ý của Chính phủ về việc sửa đổi Quyết định 71, Ban chỉ đạo đang tính đến hai trường hợp. Một mặt vẫn quy định trần tỷ lệ phần tham gia của Nhà nước, nhưng mức trần được nâng lên 49% tổng vốn đầu tư của dự án. Nếu phần tham gia của Nhà nước vượt quá 49%, thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ trình Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền chấp thuận trước khi đưa dự án vào Danh mục dự án đầu tư theo mô hình PPP. Trong trường hợp ngược lại, không quy định mức tối đa phần tham gia của Nhà nước.

Cùng với việc tạo ra sự linh hoạt cho phần tham gia của Nhà nước, dự thảo sửa đổi cũng sẽ chuyển hướng ưu tiên lựa chọn dự án PPP thí điểm theo tiêu chí khả năng hoàn trả vốn và tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư từ nguồn thu hợp lý thay vì tiêu chí dự án quan trọng, quy mô lớn như quy định hiện hành.

Bên cạnh phần ưu đãi và bảo đảm đầu tư vẫn giữ nguyên một số ưu đãi như thuế thu nhập DN, thuế suất nhập khẩu hàng hóa trang thiết bị, quyền mua ngoại tệ... dự thảo còn đưa ra một quy định mới nhằm bảo đảm cho nhà đầu tư thực hiện dự án, đó là việc giải quyết tranh chấp.

Trong trường hợp có tranh chấp giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư hoặc giữa các DN thực hiện dự án, trước hết được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải. Nếu không được, các bên có thể đưa ra tổ chức trọng tài hoặc tòa án Việt Nam. Vốn và tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.

Trong trường hợp cần thiết phải trưng mua, trưng dụng tài sản nhà đầu tư, Nhà nước bảo đảm thanh toán, bồi thường theo quy định của Luật Đầu tư hoặc theo các điều kiện thỏa thuận trong hợp đồng dự án.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định 71/2010/QĐ-TTg cũng sẽ mở rộng lĩnh vực thí điểm đầu tư theo hình thức PPP lên 13 lĩnh vực, thay vì 9 lĩnh vực như hiện nay. Theo các chuyên gia, nếu tạo ra được hành lang pháp lý thông thoáng hơn, Việt Nam có khả năng huy động 70-80 tỷ USD thông qua hình thức đầu tư PPP trong vòng 10 năm tới.

Tuy vậy, để việc thu hút vốn đầu tư PPP hiệu quả, cần có cái nhìn toàn diện về xu hướng nguồn vốn đầu tư này và những cách làm phù hợp hơn. Theo Ngân hàng Thế giới, trong thu hút vốn đầu tư PPP thì sự minh bạch và bình đẳng giữa các bên tham gia là hết sức quan trọng. Đồng thời cần phải hạn chế tối đa những rủi ro liên quan đến các xung đột về lợi ích. Xung đột lợi ích cũng có thể tăng lên khi một cơ quan, tổ chức vừa có vai trò hỗ trợ, thúc đẩy phát triển dự án, vừa được giao nhiệm vụ giám sát và thực hiện các đánh giá sau khi dự án được thực hiện.