Công nghệ xanh sẽ mang đến điều gì cho Việt Nam?
Những thành quả mà công nghệ xanh sẽ mang đến cho Việt Nam? Có thể tóm tắt qua hai điểm dưới đây và cho phép chúng ta hình dung về một môi trường đô thị, tự nhiên và kinh tế hoàn toàn mới: Kinh tế xanh, Thành phố xanh.
Khai thác sự năng động của Việt Nam
Giàu có về nguồn tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam được thế giới biết đến hiện nay như một quốc gia đang ở trong giai đoạn phát triển kinh tế quan trọng. Sự chuyển hướng theo kinh tế thị trường trong những năm gần đây đã tạo ra một tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đem đến nhiều cơ hội và thực sự hấp dẫn cho các dự án đầu tư.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, do sự cạnh tranh quốc tế sẽ cho ra đời những mô hình kinh tế mới. Đặc biệt khi mà kinh tế xanh trên thế giới đang ở vào thời điểm phôi thai, thông qua mô hình này, kinh tế xanh sẽ đem đến cho Việt Nam vào thời điểm hiện tại một cơ hội định vị lại mình trong một thị trường thế giới đầy tiềm năng về cơ hội phát triển và bền vững. Cơ hội này cho phép các đô thị tại Việt Nam sẽ thay đổi, sự thay đổi này không chỉ diễn ra tại các thành phố lớn tại Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM với một thị trường quan trọng mà còn ảnh hưởng đến các đô thị vừa và các vùng nông thôn.
Ngoài ra, trong một thời gian ngắn, hệ thống kinh tế sẽ nhanh chóng định vị lại thông qua thị trường “kinh tế xanh”, khi đó việc khởi hành sớm trên chuyến tàu kinh tế xanh sẽ giúp Việt Nam hạn chế chi phí dành cho việc tái cấu trúc lại hệ thống công nghiệp, các thành phố và hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông để thích ứng với những tiến hoá về môi trường.
Đây thực sự là một tiềm năng chưa hề có trước đây nhằm giải quyết mối quan hệ về sự phát triển kinh tế, sự giàu có về tài nguyên và cảnh quan đặc biệt của Việt Nam, hạn chế sự xé nát hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học.
Kinh tế xanh, với thuộc tính tự nhiên về sự đổi mới, sẽ thúc đẩy cùng lúc các lĩnh vực nghiên cứu. Không chỉ dừng lại một hoạt động kinh tế thông thường, kinh tế xanh còn là một khuynh hướng nhằm giải quyết triệt để các mối quan hệ giữa các lĩnh vực; từ sản xuất, nghiên cứu, giáo dục và cả các yếu tố xã hội trong một mối liên hệ tổng thể.
Thúc đẩy sự phát triển của vùng lãnh thổ dựa trên kinh tế xanh, điều này có nghĩa là thúc đẩy và khuyến khích hơn nữa, sự hiệp đồng giữa môi trường doanh nghiệp, môi trường đại học, môi trường nghiên cứu và phát triển xã hội.
Tất cả các hoạt động liên quan đến kinh tế xanh sẽ giúp Việt Nam giữ một vị trí quan trọng trên thế giới. Phát triển mô hình kinh tế này sẽ cho phép Việt Nam tăng cường hình ảnh về một thương hiệu và góp phần củng cố, định vị lại mình như một vị trí quan trọng của “mô hình kinh tế mới” trên diễn đàn thế giới.
Kinh tế xanh là gì?
Kinh tế xanh quan tâm đến việc xác định lại quá trình tiến hoá của hệ thống công nghiệp trong một mối liên hệ tổng thể với vùng lãnh thổ chứ không chỉ quan tâm đến việc giải quyết những vấn đề về môi trường.
Ngoài ra, kinh tế xanh không chỉ được biết đến như với công nghiệp năng lượng tái tạo, mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau từ khâu cung cấp năng lượng cho đến quy trình tái chế, từ sản xuất nông nghiệp cho đến công nghiệp xây dựng và giao thông.
Được xem xét bởi Liên hiệp quốc như một loại hình kinh tế mới với tốc độ phát triển nhanh và tiềm năng nhất. Sự ra đời các ngành nghề và lao động mới, được gọi tên là “lao động xanh”, mở ra một thời kỳ mới cho kinh tế xanh từ một thị trường nhỏ cho đến một thị trường lớn. Khắp nơi trên thế giới, lao động xanh lan toả và trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế và tăng trưởng.
Các hoạt động nghiên cứu – sản xuất sinh thái ngày càng gây sự chú ý đặc biệt cho các nhà hoạch định các chiến lược kinh tế của các thành phố trên khắp thế giới.
Được định nghĩa bởi cộng đồng châu Âu, những hoạt động nghiên cứu – sản xuất sinh thái là tổng hợp những doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu phát triển sản sinh ra các sản phẩm và dịch vụ có khả năng lường trước, ngăn ngừa, giảm thiểu và hạn chế những thiệt hại gây ra cho môi trường, như ô nhiễm nước, không khí, đất, cho đến cả những vấn đề liên quan đến rác thải, tiếng ồn, và ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Điều này bao gồm cả những công nghệ, những sản phẩm và dịch vụ “sạch” có tác dụng giảm thiểu những hiểm hoạ về môi sinh và hạn chế việc sử dụng nguồn tài nguyên tự nhiên.
Cùng với sự phát triển của lĩnh vực này trong những năm gần đây, các nhà kinh tế học tiên đoán thị trường châu Âu về lĩnh vực này trong vòng 5 – 6 năm tới sẽ bùng nổ do sự gia tăng về nhu cầu, do áp lực của công chúng, áp lực của sức khoẻ cộng đồng, sự tăng cường các hệ thống luật định, các cam kết quốc tế, và sự đột biến về giá dầu thế giới.
Bảng tổng hợp dưới đây cho thấy những cảnh báo đầu tiên về các hiểm họa môi trường diễn ra từ những năn 70 của thế kỷ 20
1971: Cảnh báo về hiểm hoạ môi trường chấm dứt tăng trưởng (Halte à la croissance) được đưa ra bởi câu lạc bộ Rome (club de Rome)
1972: Phát triển kinh tế được nhìn nhận không tương thích với việc bảo vệ hành tinh về lâu dài tại hội nghị Liên hiệp quốc về môi trường con người, tại Stockholm.
Sự ra đời của ý tưởng phát triển sinh thái (d’éco-développement)
1987: Ý tưởng trên được trích dẫn trở lại trong báo cáo của Gro Harlem Brundtland (thủ tướng Na Uy và là chủ tịch Cộng đồng quốc tế về môi trường và phát triển). Vì một tương lai cho tất cả mọi người, dưới thuật ngữ Phát triển bền vững (Sustainable development)
Ý tưởng về phát triển bền vững được định nghĩa trong báo cáo của Brundtland: “Một sự phát triển đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không xâm phạm đến các nhu cầu của các thế hệ tương lai”
1992: Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển
1997: Công ước Kyoto
Cùng nhiều thành phố khác tại châu Âu, chính quyền thành phố Paris với tham vọng thiết lập một vùng sinh thái (éco-région) song hành với việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu (pôle d’excellence) quy tụ các hoạt động nghiên cứu – sản xuất liên quan đến môi trường hướng đến một tầm ảnh hưởng với sức lan toả quốc tế cho các chiến lược xanh của mình.
Một vài số liệu của lĩnh vực này trong cơ cấu kinh tế của vùng Paris (Ile de France) cho thấy tầm quan trọng của kinh tế xanh:
• 50.000 việc làm, chiếm 33% tổng số lao động của nước Pháp trong lĩnh vực này
• 21 tỉ USD doanh số hàng năm: chiếm 50% doanh số của cả nước Pháp, 8% doanh số của châu Âu
• 15 – 20% doanh số đến từ xuất khẩu: rác thải chiếm 65%, nước thải 21%, không khí 9%
• 300 phòng thí nghiệm chuyên sâu về môi trường
• 170 chuyên ngành đào tạo liên quan đến môi trường.