Công nghiệp hỗ trợ Việt không sản xuất nổi cái ốc vít

Công nghiệp hỗ trợ Việt không sản xuất nổi cái ốc vít

 Nói một cách chính xác, thì không phải là không sản xuất được, mà là sản xuất với giá thành và chất lượng khó có thể đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Microsoft…

 

 

Câu chuyện lặp lại không chỉ ở ngành công nghiệp điện tử khá mới mẻ, mà còn ở cả ngành dệt may, da giày có truyền thống phát triển lâu đời, cũng như ở hầu khắp các ngành công nghiệp khác.

14 năm sau khi Chính phủ có chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam vẫn chưa định hình được những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần tập trung phát triển trên quy mô cả nước, ở từng vùng kinh tế. Hơn thế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa tạo lập được mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bởi thế, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành dệt may hiện chỉ là 35-40%; ở giày dép là 30%; còn điện tử là 30%. Con số này ở Trung Quốc, Thái Lan là 50-60%... Và không chỉ là tỷ lệ nội địa hóa thấp, mà là những doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu cho sản xuất cũng phần đông là doanh nghiệp FDI, do chính các nhà sản xuất lớn thu hút đầu tư sang Việt Nam. Hệ quả tất yếu là, giá trị gia tăng mà Việt Nam thu về thấp.

Thực tế này đang đòi hỏi Việt Nam phải phát triển mạnh mẽ công nghiệp hỗ trợ, nếu không muốn chỉ là một công xưởng gia công, lắp ráp đơn thuần. Đòi hỏi này càng trở nên quan trọng hơn, khi xu hướng gần đây, nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu gia tăng đầu tư tại Việt Nam, thậm chí muốn biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất quan trọng của họ.

Việt Nam có quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ không? Câu trả lời là có. Nhưng vì sao sau hơn một thập kỷ, chúng ta chưa có công nghiệp hỗ trợ đúng nghĩa? Vì sao chưa khuyến khích được doanh nghiệp Việt Nam tham gia? Sao lại không thể sản xuất ngay cả ốc vít, bù lông, mà lại chỉ là in ấn hay bao bì?...

Đâu là lý do khiến công nghiệp hỗ trợ mãi là nỗi đau của Việt Nam? Vấn đề nằm ở công nghệ hay vốn đầu tư? Có phải chỉ vì nhà đầu tư chưa mặn mà chuyện chuyển giao công nghệ, hay là vì doanh nghiệp Việt chưa thực sự nỗ lực? Vấn đề phải chăng cũng nằm ở chính sách khuyến khích của Việt Nam chưa đủ mạnh?...

Bộ Công thương đang xây dựng một nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ, với các đề xuất về cơ chế ưu đãi vượt trội liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai…., như được thí điểm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa 4 năm; giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo; được hỗ trợ một phần chi phí (không quá 50% vốn đầu tư) khi đầu tư hạng mục xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường; nếu đầu tư mới nằm ngoài khu công nghiệp sẽ được giảm 50% tiền thuê đất 11 năm… 

Đây là những câu trả lời cần có lời giải đáp một cách chính xác và thỏa đáng, bởi nếu không, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ vẫn chỉ giậm chân tại chỗ, hay chỉ phát triển một cách manh mún, không thực sự hỗ trợ cho phát triển sản xuất.