Công nhân thời tăng giá
Chúng tôi đã “phục” sẵn tại khu chợ này. Trên tấm bạt đổ từng đống dưa leo, bầu, bí, hai bóng áo xanh đang lúi húi chọn lựa. Một cô tên Quyên, một cô tên Hằng, đều là Công nhân công ty Nissei và cùng quê Bến Tre.
Mua gì ở chợ?
Ngồi xuống lựa dưa leo, chúng tôi bắt chuyện: “Hai bạn định nấu món gì với mấy trái dưa này?”.
Hằng nói: “Chưa biết nấu gì (cười). Theo thói quen thấy dưa leo rẻ và dễ ăn nên mua trước”.
“Một bữa hai người ăn hết bao nhiêu tiền?”.
Quyên nhẩm tính: “Gần 20 ngàn đồng”.
“Số tiền đó mua được mấy món? Có tính luôn tiền gạo không?”.
Hằng: “Thường chỉ một món mặn hoặc canh, còn lại là rau dưa ăn kèm. Gạo thì tụi mình vác từ quê lên, chứ mua ở thành phố chịu sao thấu!”.
“Ăn uống vậy tiết kiệm được nhiều không?”
Quyên: “Tính cả tăng ca thì được 2,4 triệu đồng/tháng/người. Trừ chi phí ăn uống, chỗ trọ... chỉ còn dư chút đỉnh”.
Ở chợ này, không khí nhộn nhịp hơn với số công nhân tan ca muộn. Anh Tâm, một người bán bầu bí cho hay, khoảng 20 giờ 30 chợ mới vắng người. Chị Ba - bán rau cải, than: “Giá cả càng cao thì tụi tui càng khó buôn bán. Một bó cải xanh lúc trước chỉ có 2 ngàn đồng, bây giờ đã lên 4 ngàn đồng. Tụi tui không dám bán giá cao vì công nhân không mua. Vậy là chỉ còn cách... lấy bớt cải ra để bán 3 ngàn đồng/bó, thế mà cũng bị kỳ kèo bớt giá!”.
Chuẩn bị bữa cơm chiều - Ảnh: Khánh An |
Sống ra sao ở nhà?
Hơn 20 phút đi chợ, bạn Nguyễn Thị Nga (quê Quảng Bình, công nhân sản xuất linh kiện điện tử trong Khu công nghệ cao TP.HCM) tất bật trở về phòng trọ chuẩn bị bữa cơm cho ba người khác tăng ca về sau. Với 32 ngàn đồng, cô công nhân đảm đang này mua khá nhiều thức ăn. Vừa nấu, Nga vừa nhẩm lại giá cả: lòng heo làm sẵn cùng một miếng gan nguội - giá 5 ngàn đồng; một ổ bánh mì - 2 ngàn đồng; thịt heo - 20 ngàn đồng; giá, hẹ - 5 ngàn đồng.
" Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều công nhân đem xe gắn máy, điện thoại, bếp ga mini thậm chí quạt bàn “gửi” cho tiệm cầm đồ để lấy 50 ngàn đồng sống qua ngày."
|
|
Anh Phạm Thanh Hà, |
Nấu nướng xong, Nga lại vội vã đi làm tăng ca từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau mới về. “Chịu cực một chút để dành tiền về quê ăn Tết. Chứ ăn Tết ở đây buồn lắm!” - Nga nói với chúng tôi khi hối hả dắt xe ra khỏi khu nhà trọ.
Đến KCN Biên Hòa 2 (TP Biên Hòa, Đồng Nai), chúng tôi bước vào dãy nhà trọ hơn 20 căn nằm đối diện. Căn phòng duy nhất mở cửa là của Vinh - công nhân quấn sợi của Công ty Nec Tokin. Vinh làm việc ca tối từ 18 giờ đến 6 giờ sáng nên có mặt còn những người khác đi làm ca ngày đến 17 giờ mới về. Ngồi trong căn phòng chưa đầy 15 mét, Vinh nói chuyện về công việc, đời sống của những người công nhân xa quê với tâm trạng khá bình thản, chấp nhận. 30 tuổi, Vinh đã có thâm niên làm việc tại KCN Biên Hòa 2 được hơn 10 năm. Với mức lương 1,5 triệu đồng cộng với 500 ngàn đồng tiền tăng ca, cô phải tính một bài toán chi tiêu không đơn giản: tiền thuê nhà, điện, nước, tiêu xài, phụ bố mẹ nuôi em...
“Mình làm ca tối nên tất cả những cuộc hẹn hò, đi chơi với bạn bè đều bị hủy. Lúc đầu mọi người nói mình chảnh nhưng sau đó biết công việc mình làm tối nên ít ai rủ, rồi từ từ những cuộc hẹn hò thưa dần và đến nay mình cũng chỉ có một mình”, Vinh cười buồn bã.
Đã hai năm nay Vinh chưa về quê thăm bố mẹ. Tết này cũng không về bởi mỗi lần đi xa về quê phải có quà cho bà con mới phải đạo. Vinh tâm sự: “Mỗi lần về quê cũng mất hết 5-6 triệu đồng, thôi thì để dành tiền đó cho gia đình hay hơn. Nếu có nhớ nhà thì điện thoại cho bố mẹ”.
Anh Phạm Thanh Hà, Chủ tịch Hội LHTN P.Long Bình - TP Biên Hòa cho biết, phường có hơn 50 ngàn công nhân đang ở trọ. Suy thoái kinh tế ảnh hưởng rất lớn đến đời sống công nhân. Vì không có việc làm nên nhiều công ty chấp nhận hỗ trợ công nhân vài tháng lương rồi sa thải họ. Mất việc, công nhân phải đi vay mượn tiền để sống trong thời gian kiếm việc làm mới.
“Cười ra nước mắt” Năm hết Tết đến, cùng với nỗi lo gói ghém để về quê ăn Tết thì nhiều công nhân còn có thêm mối bận tâm khác: chi phí dự đám cưới bạn bè. Anh Giàu - quê Nghệ An, công nhân trong KCN Đồng An (huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết: “Công nhân chúng em toàn thanh niên trẻ tuổi. Khi vào đây lập nghiệp, đa số trong tình trạng độc thân nên vài năm sau, nhiều người lấy chồng lấy vợ cũng là lẽ đương nhiên”. Giàu kể, bắt đầu từ tháng 10 âm lịch cho đến Tết, hầu như tháng nào anh cũng phải đi dự từ 2 - 3 đám cưới. Chí phí cho mỗi lần đi đám cưới bình quân là 100 ngàn đồng. Tết này xa con... Khoảng 18 giờ, nhiều khu nhà trọ dành cho công nhân ở P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức bắt đầu sáng đèn. Trước căn phòng chật hẹp có ghi dòng chữ nguệch ngoạc và sai chính tả “Phòng này khốn nạng!”, anh Tùng (27 tuổi, quê Tuyên Quang, công nhân Công ty Jyeshing Industrial Co. Ltd) đang chờ vợ đi làm về. Tùng cho biết, vợ anh tan ca khoảng 18 giờ 30. Sau đó, chị đi chợ, nấu ăn, giặt giũ… đến 21 giờ, hai vợ chồng mới ăn tối. Đôi vợ chồng này đã có đứa con hơn hai tuổi. Mấy tháng trước, họ đã gửi con cho mẹ vợ (ở Ninh Bình) nuôi. |
Nhằm giúp cho thanh niên công nhân xa quê ở lại Tết, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và Báo Thanh Niên sẽ tổ chức chương trình “Tết với công nhân xa quê”. Ban tổ chức chương trình mong muốn sự hỗ trợ của các doanh nghiệp bằng hiện vật, tiền mặt hoặc cùng phối hợp để giúp thanh niên công nhân xa quê đón một cái Tết đầm ấm. Mọi thông tin xin vui lòng gọi điện thoại: 08.3839 4046 gặp chị Vân (lễ tân). |