Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2010: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định 4 ưu tiên hàng đầu trong hợp tác phát triển tiểu vùng Mê Công

Với những nỗ lực to lớn gần đây của các nước trong việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết và phát triển kinh tế thông qua các diễn đàn và cơ chế hợp tác đa dạng, lưu vực Mê Công đang nhanh chóng trở thành một tâm điểm thu hút sự chú ý của nhiều đối tác phát triển, trong đó có các nền kinh tế lớn Đông Á như Nhật Bản và các đối tác quan trọng khác như Mỹ và Châu Âu. Hội nghị Cấp cao Mê Công – Nhật Bản lần đầu tiên tại Tokyo tháng 11/2009, sáng kiến của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thành lập Diễn đàn Hạ lưu Mê Công – Mỹ, và Cấp cao mở rộng đầu tiên của Ủy hội sông Mê Công Quốc tế với sự tham gia của Trung Quốc và Mianma tại Hua Hỉn tháng 4/2010 là những minh chứng sống động cho sự quan tâm ngày càng tăng của các đối tác.


Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng các nước trong tiểu vùng đều nhấn mạnh, vấn đề đặt ra cho những nền kinh tế đang phát triển ở khu vực này là cần phải làm gì để nhanh chóng biến các tiềm năng thành nguồn lực tăng trưởng thực tế, sao cho trong một thập kỷ tới, lưu vực Mê Công trở thành một động lực tăng trưởng mới bền vững cho Đông Nam Á nói riêng và Đông Á nói chung. Các nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, các nước trong tiểu vùng cần thể hiện mạnh mẽ hơn nữa sự chủ động và vai trò lãnh đạo của mình trong việc phát triển khu vực này. Không thể có tăng trưởng bền vững nếu như không nâng cao vai trò lãnh đạo một cách chủ động và sáng tạo… Các nhà lãnh đạo tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của các nước thành viên Ủy hội sông Mê Công trong việc tiếp tục hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững, sử dụng, bảo vệ và quản lý tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của hạ lưu sông Mê Công.

Để tiểu vùng Mê Công phát triển nhanh và bền vững, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cần tập trung vào 4 ưu tiên hàng đầu như: Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác song phương và đa phương trong khu vực và với các đối tác bên ngoài; nhấn mạnh yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước trong lưu vực Mê Công, bảo vệ môi trường sinh thái và tiến tới xây dựng một Mê Công phát triển xanh. Bên cạnh việc tiếp tục tranh thủ nguồn vốn và sự trợ giúp của các tổ chức tài trợ quốc tế cũng như các đối tác phát triển ở Đông Á và trên thế giới, các nước trong tiểu vùng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất về hành lang pháp lý và các khuyến khích tài chính để đẩy mạnh các dự án hợp tác trên cơ sở đối tác công – tư (PPP), đặc biệt cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, phát triển đô thị, đầu tư và thương mại; Cần phối hợp chính sách tốt hơn nữa, để cùng đưa ra những lĩnh vực ưu tiên thống nhất trong chiến lược phát triển kinh tế của mỗi nước, trong đó đặc biệt chú ý phát triển cơ sở hạ tầng cứng và mềm, giao thông vận tải, nhất là các hành lang kinh tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các ngành dịch vụ then chốt như tài chính – ngân hàng, viễn thông, các nguồn năng lượng mới và tái tạo được./.