Thực hiện luật IUU cho ngành thủy sản Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tổng sản lượng thủy sản xuất sang EU, hải sản khai thác chiếm tỷ trọng tới 1/3, đạt gần 400 triệu USD trong các năm gần đây. Tuy nhiên từ 1/1/2010 tới EU sẽ áp dụng luật IUU về đánh bắt thủy sản, đây là trở ngại lớn nhất cho các doanh nghiệp hải sản Việt Nam khi xuất khẩu hàng qua EU.
Theo quy định này, tất cả lô hàng hải sản muốn vào được thị trường EU đều phải chứng minh nguồn gốc (vùng biển khai thác, tàu khai thác…quy định điều tiên quyết để nhập khẩu sản phẩm thuỷ sản vào EU là phải có chứng nhận về tính hợp pháp của sản phẩm). Sự kiện này khiến rất nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản của Việt Nam băn khoăn lo lắng vì giờ G đã tới gần mà sự chuẩn bị vẫn chưa được nhất quán, sẵn sàng.
Hiệp hội Vasep cho biết, hiện tại hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy hải sản đều thu mua nguyên liệu qua các chủ vựa, thương lái tại các cảng cá chứ không trực tiếp thu mua của ngư dân. Những chủ vựa này cũng không thu mua từ một tàu mà từ hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu thuyền. Vì trên thực tế hầu như không có tàu nào thực hiện nghiêm vấn đề truy xuất nguồn gốc hay chứng nhận khai thác rõ ràng. Một số tàu hoạt động ngoài khơi còn bán hải sản ngay trên biển cho các tàu dịch vụ chứ không cần về bến. Một phần cũng do nghề cá Việt Nam quy mô nhỏ, khó quản lý giám sát, Nhà nước lại chưa có quy định nghiêm ngặt về mùa vụ, ngư trường đánh bắt theo mùa. Do vậy, việc bắt buộc doanh nghiệp ghi rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đánh bắt theo quy định của EU là không dễ.
Đại diện công ty Yueh Chyang Canned Food Co cho biết, là một trong số những doanh nghiệp đứng đầu về xuất khẩu hải sản sang EU, Yueh Chyang Canned Food Co rất lo ngại khi quy định này có hiệu lực, vì thị trường EU chiếm tới 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty. Chỉ riêng về các mặt hàng hải sản dự kiến sẽ bị kiểm soát theo quy định IUU, 9 tháng đầu năm nay, công ty đã xuất sang thị trường này 522 tấn, trị giá 4,77 triệu USD (theo số liệu Hải quan), đứng thứ 13 trong số các doanh nghiệp xuất sang EU. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của công ty là thịt ghẹ, trong đó thị trường EU đã chiếm 10% doanh số của mặt hàng này. Hiện nay, nguồn nguyên liệu chế biến của công ty được thu mua từ các nậu vựa, trong khi các nậu vựa này lại thu gom từ các tàu, thuyền nhỏ nên việc xin giấy chứng nhận khai thác với họ sẽ rất khó khăn, vì vậy chắc chắn sẽ gây khó khăn cho công ty.
Nhiều doanh nghiệp còn khẳng định, họ đã nghe về quy định này từ hai năm trước nhưng đến nay việc thực hiện vẫn đang còn rất khó khăn. Mặc dù hiện nay trong các hồ sơ xuất khẩu, các doanh nghiệp đều đã ghi rõ nguyên liệu mua ở vùng nào nhưng bây giờ điều quan trọng là phải có xác nhận của cơ quan chức năng và các địa phương. Bởi vậy, doanh nghiệp không lo vấn đề thủ tục mà lo không kịp thời gian triển khai. Việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đánh bắt sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vì hiện nay có 60 đến 70% doanh nghiệp xuất hàng sang EU sử dụng nguyên liệu đánh bắt.
Trong khi một số doanh nghiệp đang ráo riết chuẩn bị đối mặt với khó khăn mới này thì nhiều doanh nghiệp khác trong ngành thủy sản lại tỏ ra không hề lo lắng. Chị Trương Thị Hoa- Phó phòng kinh doanh Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, mặc dù chị vẫn chưa nắm rõ luật IUU nhưng hiện nay công ty Vĩnh Hoàn chỉ tập trung vào xuất khẩu sản phẩm chế biến từ cá tra, ba sa- một loại cá có xuất xứ nước ngọt và được nuôi ngay tại khu nuôi trồng của công ty. Hơn nữa Vĩnh Hoàn đã thực hiện khá tốt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn cũng như những qui định khi đánh bắt cá nên nếu qui định IUU có áp dụng thì cũng không có cản trở lớn tới doanh nghiệp này.
Anh Phạm Tấn Hòa, trưởng phòng tổng hợp Công ty XNK Nông sản thực phẩm An Giang (AFIEX) cũng khẳng định, mặt hàng xuất khẩu của công ty chỉ tập trung vào cá tra chứ không phải là cá thu mua từ những tàu thuyền đánh bắt ngoài khơi, trong 10 tháng đầu năm 2009, AFIEX đã xuất khẩu qua các thị trường hơn 3000 tấn cá tra với trị giá 7.500.000 USD, đồng thời công ty còn đang đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa nên công ty sẽ không khó khăn khi đối mặt với rào cản mới này. Đây là một sự cố gắng lớn trong tình hình hiện nay.
Không chỉ phía doanh nghiệp mà ngay bản thân các Sở địa phương cũng chưa nắm chắc. Chị Lý Thị Xuân Yến (Cục quản lý chất lượng thủy sản Sóc Trăng) cho biết: các nhân viên quản lý trong Cục vẫn chưa nghe nói đến quy định IUU và bản thân chị còn hỏi lại phóng viên rằng quy định này nghĩa là gì, có khó thực hiện lắm không…
Chính vì còn nhiều bất cập trong thực hiện quy định mới này nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xúc tiến xây dựng dự thảo về việc cấp chứng nhận khai thác thủy sản, đồng thời, chuẩn bị triển khai tập huấn cho cán bộ thực hiện việc cấp giấy chứng nhận này. Công tác tập huấn sẽ được triển khai sâu rộng đến các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tàu cá, đại lý thu mua, các cơ sở chế biến thủy sản. Ngoài ra, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có kế hoạch sẽ cử một đoàn cán bộ sang làm việc trực tiếp với Liên minh Châu Âu và đề nghị được gia hạn đến hết tháng 6/2010 mới thực hiện quy định về IUU.