FDI đang dịch chuyển có lợi cho Việt Nam
Theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/3, vốn FDI đăng ký là 2,046 tỷ USD, bằng 61,4% và vốn FDI tăng thêm của các dự án đang hoạt động là 1,287 tỷ USD, bằng 39,3% cùng kỳ năm 2013.
Trong phân tích kinh tế, so sánh là phương pháp thường được sử dụng, nhưng đôi khi con số thống kê không nói lên được bản chất sự việc.
FDI là hoạt động dài hạn, số vốn đăng ký và tăng thêm trong một quý phụ thuộc vào tình hình cụ thể, không phản ánh xu hướng phát triển của một năm và vài ba năm, do đó chưa nên đưa ra nhận định vội vàng.
Trước đó, trong quý I/2013, chỉ một dự án mới của Samsung tại Thái Nguyên, với vốn đăng ký 2 tỷ USD, đã bằng số vốn đăng ký cả quý I năm nay, với một dự án tăng vốn đăng ký của Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn là 2,8 tỷ USD, gấp 2,3 lần số vốn tăng thêm của quý I/2014.
Điều cần trao đổi là, có chuyên gia kinh tế bày tỏ lo lắng về việc doanh nghiệp FDI lấn sân doanh nghiệp trong nước cả xuất khẩu, công nghiệp và dịch vụ, đồng thời cảm thấy lo hơn là mừng khi thu hút nhiều FDI.
Chúng tôi chia sẻ quan điểm cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mục tiêu làm mạnh đất nước bằng chính sự phát triển của doanh nghiệp trong nước. Do đó, Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ có hiệu lực hơn để giải cứu các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đồng thời kích thích mạnh mẽ sự phát triển doanh nghiệp theo hướng coi trọng đầu tư vào công nghệ, nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế.
Tuy vậy, hội nhập quốc tế cũng nhằm thu hút và sử dụng nguồn vốn quốc tế, như vốn ODA, FDI, để bổ sung và tạo tiền đề khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn nguồn vốn trong nước. Kết hợp giữa nội lực và ngoại lực là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã được thực hiện khá thành công trong hơn hai thập niên vừa qua.
Thực tế cũng đã được kiểm chứng trong hơn 1/4 thế kỷ thu hút và sử dụng vốn FDI của nước ta, khi các doanh nghiệp FDI góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, gia tăng nhanh chóng kim ngạch thương mại quốc tế, chuyển giao công nghệ và tạo việc làm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Kể cả trong thương mại, công nghiệp và dịch vụ, từ năm 1991, khi FDI bắt đầu có tác động đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta, chưa thấy có trường hợp hay hiện tượng doanh nghiệp FDI lấn sân, mà trái lại, đã tạo lập mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp trong nước qua hợp tác song phương hoặc hiệp hội ngành hàng.
Đáng mừng (hay đáng lo) khi một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, những địa phương mà FDI được coi là nhân tố chủ yếu của tăng trưởng kinh tế với tốc độ hai con số trong nhiều năm liên tiếp, đang phải đối phó với tình trạng lao động nhập cư do thiếu lao động tại chỗ, trong khi hàng năm nước ta phải tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm mới, tình trạng thất nghiệp khá phổ biến, kể cả ở hai trung tâm kinh tế lớn.
Đáng mừng (hay đáng lo) khi từ năm 2012, nước ta bắt đầu có thặng dư thương mại sau một thời gian dài nhập siêu khá lớn và quý I năm nay, các doanh nghiệp FDI tiếp tục xuất siêu gần 4 tỷ USD, chẳng những bù đắp được nhập siêu của doanh nghiệp trong nước, mà còn tạo ra thặng dư thương mại 1 tỷ USD.
Đáng mừng (hay đáng lo) khi Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất điện thoại di động lớn của thế giới và hàng ngàn kỹ sư trẻ được làm việc trong các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) hiện đại, không những có thu nhập khá cao, mà quan trọng hơn là được tiếp cận phương pháp nghiên cứu hiện đại với công nghệ hàng đầu thế giới.
Những lo lắng của chúng tôi đối với thu hút FDI quý I năm nay khác với một vài chuyên gia kinh tế:
Thứ nhất, quy mô phần lớn dự án FDI quá nhỏ. Trong số 252 dự án mới, có 5 dự án vốn đăng ký gần 1 tỷ USD, 247 dự án còn lại chỉ có 1 tỷ USD vốn đăng ký, bình quân gần 4 triệu USD/dự án. Đã đến lúc, nên coi trọng hơn chất lượng FDI, không nên thu hút các dự án ít vốn, không phù hợp với định hướng mới. Đây là vấn đề cần được Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm chỉ đạo để đánh giá chính xác thực trạng thu hút FDI ở các tỉnh, thành phố.
Thứ hai, tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó gắn với hình thức đầu tư.
Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, hình thức liên doanh chiếm khoảng 70% doanh nghiệp FDI, nên tác động lan tỏa khá rõ nét, vì chỉ cần nhà đầu tư nước ngoài đưa vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý vào một nhà máy, một khách sạn hiện có là lập tức thay đổi cơ bản tình hình của doanh nghiệp. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm trên 80%, quý I năm nay với 3,334 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, chỉ có 214 triệu USD (hơn 6%) là hình thức liên doanh.
Rất cần nghiên cứu để đưa ra những quy định giới hạn tối đa vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành và lĩnh vực nhất định.
Thứ ba, vẫn tiếp diễn thu hút FDI theo phong trào, một vấn đề đã gây ra lãng phí nghiêm trọng đến mức dôi thừa năng lực sản xuất như xi măng, sắt thép, khu công nghiệp, khu kinh tế. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, rất khó xử khi có đến 10 địa phương xin Chính phủ cho mở casino, trong khi chưa có một nghiên cứu nào thật nghiêm túc về thực trạng các dự án “vui chơi có thưởng” (thực chất là casino) đem lại lợi ích gì, kể cả thu ngân sách và đã gây ra tác động tiêu cực như thế nào, để từ đó, Chính phủ cân nhắc chủ trương thu hút FDI vào casino thích hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay của nước ta.
Mặc dù số vốn FDI đăng ký và tăng thêm quý I năm nay giảm nhiều, nhưng theo quan sát của chúng tôi, Việt Nam đang có cơ hội lớn để thu hút FDI công nghệ, dịch vụ cao và phát triển công nghiệp hỗ trợ do hai nhân tố.
Trong nước, cho dù còn nhiều nhược điểm của môi trường đầu tư, nhất là pháp luật và thực thi pháp luật, thủ tục hành chính, thời gian hoàn thành các công đoạn dự án kéo dài, nhưng Việt Nam có ưu thế nổi trội so với Thái Lan, Malaysia về ổn định chính trị, an ninh, an toàn, tiềm năng tăng trưởng kinh tế, chi phí nhân công thấp (lương tối thiểu năm 2012 của nước ta trung bình hàng tháng 75 USD, của Thái Lan là 265 USD).
Với quốc tế, Malaysia thay đổi chính sách thu hút FDI và coi trọng phát triển doanh nghiệp trong nước. Thái Lan bất ổn về chính trị, chi phí nhân công gia tăng, lũ lụt khá nghiêm trọng, nhất là vùng Bangkok, nên một số nhà đầu tư quốc tế đã muốn di dời xí nghiệp sang nước khác. Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng là nước thu hút khoảng 50% FDI vào các nước đang phát triển, đang đứng trước thách thức lớn đối với các nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và Hàn Quốc, có cả nhân tố chính trị và kinh tế, do đó họ đã và đang theo đuổi chủ trương “Trung Quốc + 1”.
Những động thái thu hút FDI của nước ta và của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines từ năm 2010 đến nay cho thấy, đang có sự dịch chuyển có lợi cho Việt Nam trong việc tiếp nhận vốn đầu tư của một số công ty xuyên quốc gia (TNCs) hàng đầu thế giới.
Điển hình là Samsung bắt đầu từ dự án sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh năm 2007 với vốn đầu tư 650 triệu USD, năm 2013 tăng lên 2,5 tỷ USD, cùng với dự án 2 tỷ USD tại Thái Nguyên và Trung tâm R&D tại Hà Nội hiện có 800 cán bộ nghiên cứu, chiếm tỷ trọng khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2013, làm cho điện thoại di động trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Dự án của Samsung không xuất phát từ Hàn Quốc, mà dịch chuyển từ các nước láng giềng sang Việt Nam.
Để thực hiện Nghị quyết 103 ngày 29/8/2013 của Chính phủ về nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý nhà nước đối với FDI, cần tận dụng cơ hội mới để thu hút FDI TNCs hàng đầu thế giới vào công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, doanh nghiệp nhỏ và vừa vào công nghiệp hỗ trợ.