Hải Phòng hút gần 1,8 tỷ USD vốn FDI sau 6 tháng, đạt 93% kế hoạch cả năm
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng, tính đến cuối tháng 6/2016, Thành phố đã thu hút được gần 1,8 tỷ USD vốn FDI, đạt 93% kế hoạch thu hút FDI của cả năm, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2015 (6 tháng đầu năm 2015 thu hút 504,92 triệu USD).
Trong đó, nổi bật là việc Tập đoàn LG Display (Hàn Quốc) đã khởi công Dự án LG Display Việt Nam tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, với tổng số vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Đây là nhà máy sản xuất và gia công các sản phẩm màn hình công nghệ cao (màn hình OLED) cho các thiết bị di động và là dự án công nghệ sản xuất màn hình hiện đại, được LG Display lần đầu tiên đầu tư ra nước ngoài. Đây là một trong hai dự án FDI có tổng vốn đầu tư lớn nhất và quy mô nhất trên địa bàn Hải Phòng, sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao, có giá trị lớn.
Một số dự án khác, tuy mức đầu tư không quá lớn, nhưng đã góp phần tích cực nâng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của Hải Phòng. Có thể kể đến như Dự án Sản xuất linh phụ kiện cho máy giặt, tủ lạnh và xe có động cơ, với tổng vốn đầu tư 42,25 triệu USD của nhà đầu tư SL Electronics Co., Ltd. (Hàn Quốc) cũng vào KCN Tràng Duệ. Mục tiêu của Dự án là sản xuất 2,4 triệu linh phụ kiện cho máy giặt, 600.000 linh kiện cho tủ lạnh và 100.000 linh phụ kiện cho xe có động cơ hàng năm.
KCN Tràng Duệ còn là bến đỗ của 2 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc là HSColor Co., Ltd (đầu tư dự án có tổng vốn 20 triệu USD, nhằm sản xuất 36 triệu sản phẩm in ấn/năm, 15 triệu linh kiện cho điện thoại di động/năm và 1,8 triệu linh kiện cho xe có động cơ/năm) và nhà đầu tư Dong-A Hwa Sung Co., Ltd (đầu tư dự án có tổng vốn 17 triệu USD, mục tiêu sản xuất, gia công các sản phẩm nhựa, nhựa dẻo tổng hợp, nhựa nhiệt rắn tổng hợp, cao su tổng hợp dùng cho công nghiệp, ô tô, đồ gia dụng với sản lượng gần 4 triệu sản phẩm/năm).
Gần đây nhất, KCN Nomura cũng đón được một dự án 22 triệu USD từ Công ty TNHH Jika Jika (thuộc Tập đoàn Rorze, Nhật Bản) để thực hiện dự án sản xuất hợp kim Nd-Fe-B, nam châm Nd-Fe-B với sản lượng 999 tấn/năm; thiết kế và sản xuất động cơ trục (shaftmotor) có sử dụng nam châm Nd-Fe-B với sản lượng 5.000 động cơ/năm.
Một nhà đầu tư khác là Công ty Baoshen (Hong Kong, Trung Quốc) vừa tổ chức khánh thành Công ty TNHH in Baoshen Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 15 triệu USD, nhằm sản xuất các loại nhãn mác và bao bì đóng gói, chất kháng khuẩn và chống nấm mốc.
Ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết, các dự án FDI được đầu tư vào các khu công nghiệp tại Hải Phòng trong nửa đầu năm 2016 có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, giải quyết việc làm cho gần 27.000 lao động. Hiện Hải Phòng có 470 dự án FDI đang hoạt động, tổng số vốn đầu tư đăng ký là 12,677 tỷ USD.
Bên cạnh các dự án mới nhận giấy chứng nhận đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, nhiều dự án cũng điều chỉnh tăng vốn khá lớn như nhà đầu tư Regina Miracle International Ltd. (Hong Kong) điều chỉnh tăng vốn dự án sản xuất các loại áo lót, quần lót nữ, giày và quần áo thể thao tại Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng từ 150 triệu USD lên 235 triệu USD. Hay như Dự án Trung tâm sản xuất điện tử Chilisin tại Việt Nam của nhà đầu tư Chilisin Holding Limited (Hong Kong) tại VSIP Hải Phòng cũng vừa điều chỉnh tăng từ 22,6 triệu USD lên 46 triệu USD, với mục tiêu sản xuất cuộn cảm in đa tầng với sản lượng 3,6 tỷ sản phẩm và cuộn cảm dây cuốn chuyển tiếp với sản lượng 960 triệu sản phẩm mỗi năm.
Theo ông Mai Xuân Hòa, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ… đã lựa chọn Hải Phòng là điểm đến đầu tư, chứng tỏ sức hấp dẫn vượt trội của Hải Phòng. “Với hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, Hải Phòng đã khẳng định ưu thế về hạ tầng, bên cạnh đó là chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, chính quyền luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, kỳ vọng sẽ giúp Hải Phòng đột phá mạnh trong thu hút nguồn vốn FDI”, ông Hòa cho biết.