FDI tăng mạnh mẽ

FDI tăng mạnh mẽ

Tăng vốn đón đầu

“Đó là dấu hiệu tốt và đáng mừng nhất trong thu hút FDI thời gian qua” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định. Theo bà Lan, triển vọng dài hạn của kinh tế VN chính là nguyên nhân để các NĐT nước ngoài tăng vốn. Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Tổng giám đốc PepsiCo Đông Dương, chứng minh: “Sau khi quan sát tình hình kinh tế VN, PepsiCo toàn cầu đã cam kết trong vòng 3 năm tới sẽ đầu tư hàng nghìn tỉ đồng vào VN”. Đầu năm 2009, PepsiCo đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất tại Bình Dương có công suất 40 - 50 triệu lít/năm, kinh phí đầu tư 30 triệu USD. Trong tháng 7, công ty tiếp tục khai trương nhà máy sản xuất nước uống tại Cần Thơ.

Ở một lĩnh vực khác, trong vòng một tháng, hai đại siêu thị của các “đại gia” nước ngoài được khai trương. Tại Đồng Nai, ngày 9.7, Metro mở cửa siêu thị thứ 9 ở VN với vốn đầu tư 20 triệu euro. Mặc dù không chính thức công bố kế hoạch sắp tới, nhưng việc Phó chủ tịch Tập đoàn Metro đánh giá cao thị trường và khả năng sinh lợi lớn ở VN, thì siêu thị thứ 10 sẽ nhanh chóng xuất hiện. Ngày 13.7, Big C cũng khai trương siêu thị thứ 9 ở VN tại Huế, với kinh phí đầu tư 300 tỉ đồng. Trước đó, Công ty giao nhận DHL thông báo đầu tư 10 triệu USD vào một liên doanh mới tại VN và sẽ mở trung tâm cung cấp dịch vụ tư vấn trong thị trường hậu cần ngành may mặc.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đầu tháng 7, Prudential đóng góp dấu hiệu tích cực cho tình hình FDI tại VN qua việc Công ty tài chính Prudential VN thông báo nâng vốn điều lệ từ 370 tỉ lên 615 tỉ đồng. Còn HSBC cũng khai trương chi nhánh tại Bình Dương vào ngày 1.7. Ông Huỳnh Bửu Quang, Giám đốc toàn quốc khối dịch vụ tài chính doanh nghiệp của HSBC VN, cho rằng việc thành lập ngân hàng con và đẩy mạnh mở rộng hệ thống ngân hàng của HSBC là minh chứng cụ thể nhất cho niềm tin của HSBC về sự phát triển dài hạn của nền kinh tế VN cũng như cam kết phát triển kinh doanh lâu dài tại thị trường này. HSBC hiện là ngân hàng nước ngoài có nhiều điểm giao dịch nhất tại VN với 3 chi nhánh ở TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và 7 phòng giao dịch tại TP.HCM, Hà Nội.

Triển vọng dài hạn

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 6 tháng đầu năm có 68 dự án FDI đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm là 4,1 tỉ USD, tăng 13,8% so cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore tăng vốn nhiều nhất. TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS, nhận định con số tăng vốn “đẹp” như vậy là một dấu hiệu tốt, rõ ràng các nhà đầu tư nước ngoài đang tin tưởng vào nền kinh tế dài hạn thực sự hấp dẫn của VN.

Trao đổi về triển vọng trung và dài hạn của FDI tại VN, ông Nakanishi Hirota, Cố vấn cao cấp về FDI thuộc Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM (JETRO), nhận định tình hình thu hút FDI sẽ có nhiều cải thiện trong thời gian tới. “Chỉ riêng trong tháng 6, có đến 74 lượt các công ty Nhật đến văn phòng chúng tôi để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào VN. Một trong những cam kết của VN sau khi gia nhập WTO là cho phép các nhà đầu tư thiết lập hệ thống phân phối và bán hàng nhằm hỗ trợ việc xuất khẩu của họ” - ông Hirota nói.

Ông Hirota đánh giá: “Tôi cho rằng VN vẫn sẽ là một trong những thị trường trọng điểm thu hút FDI từ nay đến cuối năm và cả trong năm 2010, vì tuy Trung Quốc vẫn là một vùng trũng thu hút FDI của thế giới, nhưng đang tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. Một trong những thế mạnh của VN vẫn là nguồn lao động rẻ. Các lĩnh vực mà Chính phủ VN cần cải thiện về trung và dài hạn để thu hút FDI là ngành công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng và năng lực cạnh tranh của thị trường nội địa”.