Samsung dốc tiếp 3 tỷ USD vào Việt Nam

Samsung dốc tiếp 3 tỷ USD vào Việt Nam

 Ngày mai (11/11), theo kế hoạch, tỉnh Thái Nguyên sẽ chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) để triển khai xây dựng một nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại di động mới, bên cạnh nhà máy thứ nhất, vốn đầu tư 2 tỷ USD đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3/2014.

Nhà máy này có vốn đầu tư 3 tỷ USD và mặc dù thông tin chi tiết về Dự án chưa được tiết lộ, nhưng theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, nhà máy SEVT mới sẽ sản xuất những dòng điện thoại di động thế hệ mới nhất.

Theo kế hoạch của Samsung, khi nhà máy này đi vào hoạt động, tổng số lượng nhân công của ba nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Việt Nam sẽ lên tới 100.000 người. Hiện tại, số lượng nhân công ở Samsung Bắc Ninh là 43.000 người, SEVT là 23.000 người.

“Dự án này cũng được hưởng những ưu đãi ở mức cao nhất, với các ràng buộc về điều kiện nghiên cứu và phát triển (R&D)”, nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết.

Điều này có thể hiểu rằng, nhà máy SEVT mới cũng sẽ được hưởng các ưu đãi đầu tư đối với một dự án công nghệ cao. Các chính sách ưu đãi với SEVT mới đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua vào những ngày cuối tháng 10/2014, và ngay sau khi có cái gật đầu của Chính phủ Việt Nam, SEVT đã nộp hồ sơ dự án lên các cơ quan chức năng Việt Nam. Rất nhanh sau đó, Dự án được cấp chứng nhận đầu tư.

“Dự án cũng sẽ rất nhanh chóng được đưa vào triển khai. Theo cam kết của nhà đầu tư, khoản vốn 3 tỷ USD sẽ được giải ngân trong vòng 5 năm, nhưng tốc độ có thể được Samsung đẩy nhanh hơn”, nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết. Cũng theo nguồn tin này, nhà máy SEVT đã giải ngân được khoảng 1,5 tỷ USD sau 1,5 năm xây dựng (từ cuối tháng 3/2013), trở thành một trong những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tốc độ giải ngân nhanh nhất tại Việt Nam.

Như vậy, thêm dự án SEVT mới, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam đã lên tới 11,2 tỷ USD. Trong đó, riêng Samsung Điện tử là 8,9 tỷ USD, bao gồm: dự án sản xuất điện thoại di động ở Thái Nguyên (vốn đầu tư 2 và 3 tỷ USD), ở Bắc Ninh (2,5 tỷ USD) và một dự sản xuất xuất đồ điện tử ở TP.HCM (1,4 tỷ USD). Phần vốn còn lại thuộc Dự án Samsung Electro

Machanics (vốn đầu tư 1,23 tỷ USD, chuyên sản xuất vi mạch và linh kiện điện tử cho điện thoại Samsung, dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 12 năm nay) và Dự án Samsung Display (1 tỷ USD, chuyên sản xuất màn hình có độ phân giải cao).

Nhưng điều quan trọng không hẳn nằm ở số vốn đầu tư lớn, các dự án của Samsung đã và đang đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Hiện tại, Samsung đóng góp tới gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Không chỉ giống thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư vệ tinh, Samsung trong quá trình biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của mình, đang dần trở thành “đối tác chiến lược quốc gia”, như đề xuất của các chuyên gia kinh tế nhằm tạo ra các trục ngành cho nền kinh tế, cũng như cho tương lai phát triển của Việt Nam.

“Khi trao đổi với tôi, ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Tổ hợp Công nghệ cao Samsung Bắc Ninh (Samsung Complex) đã khẳng định, họ muốn ở lại lâu dài với Việt Nam, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển của Việt Nam. Tôi đồng tình với ý kiến đó, bởi nếu họ đến Việt Nam chỉ vì lợi nhuận, thì sẽ không nhận được sự đồng thuận của nhân dân”, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI nói và một lần nữa khẳng định, Samsung và sức hấp dẫn của nhà đầu tư này đang đưa tới cho Việt Nam một cơ hội chưa từng có để thu hút đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao.

“Đó là một cách để Việt Nam nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn FDI”, ông Mại nói và bày tỏ mong muốn, cùng với kế hoạch thu hút nhà đầu tư vệ tinh, Samsung sẽ tiếp tục góp phần quan trọng để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử phát triển, tạo sức lan tỏa tới khu vực doanh nghiệp trong nước.

 

Đồng tình quan điểm này, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đã mời được Samsung vào, thì công việc quan trọng là làm sao để kết nối được doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi sản xuất toàn cầu của họ. “Phải chuẩn bị các điều kiện để nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu của họ, đưa Việt Nam phát triển ở trình độ cao hơn, chứ không thể chỉ mãi lắp ráp, gia công được”, ông Thiên khuyến nghị.