Giải pháp nào để phòng chống dịch cúm A/H1N1 trong KCX - KCN?
Ngày 27/8/2009, Ban Quản lý các KCX&CN TP tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về Phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 tại TP. Hồ Chí Minh, TS.BS Lê Trường Giang – Phó Giám Đốc Sở Y Tế TP. HCM đã cung cấp một số thông tin đến lãnh đạo các Công ty phát triển cơ sở hạ tầng của các KCX-KCN.
Theo Ông Trường Giang, với gần 250.000 người đang làm việc trong KCX-KCN thì nguy cơ lây lan dịch bệnh diện rộng ra cộng đồng là không tránh khỏi. Hơn nữa, nếu dịch cúm xảy ra trong khu vực này sẽ tác động tiêu cưc đến hoạt động kinh tế - xã hội TP. Do vậy, việc chủ động phòng chống dịch nơi đây là vô cùng cấp thiết, đồng thời, việc chủ động phòng chống ngay từ bây giờ sẽ giúp cho chúng ta có được năng lực, bản lĩnh và trình độ để đối phó khi đại dịch bùng nổ.
Câu hỏi mà các DN băn khoăn là xử lý thế nào khi có dịch bệnh mà vẫn không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp(DN)? TS.BS Lê Trường Giang cho rằng chúng ta cần có những giải pháp thật thiết thực, không hoang mang lo lắng dẫn đến việc đầu tư phòng chống bệnh một cách lãng phí mà không mang lại hiệu quả cao. Điều quan trọng hiện nay là tăng cường công tác truyền thông giúp mọi người có đủ thông tin và kiến thức đúng về cách phòng ngừa bị lây nhiễm để tự bảo vệ cho bản thân, gia đình và góp phần phòng chống dịch cho cộng đồng, xã hội.
Vừa phòng chống dịch bệnh vừa duy trì sản xuất thì phải làm sao?
Để phòng dịch bệnh, các DN chú ý những điểm sau đây:
- Dù bệnh cúm A/H1N1/09 hay bất cứ bệnh gì khác thì việc rèn luyện thân thể, bảo vệ sức khỏe để nâng cao sức đề kháng cơ thể là việc cần quan tâm thường xuyên, nhất là điều kiện làm việc trong môi trường tập thể đông người. Vì virus chỉ tấn công khi chúng ta thiếu sức đề kháng! Ngoài ra, Doanh nghiệp cần chú ý đến chất lượng bữa ăn cho CN vì dinh dưỡng trong bữa ăn quyết định đến sức khỏe và tâm lý tích cực của người lao động.
- DN quan tâm đến việc đầu tư nhiều vòi nước để rửa tay sạch với xà phòng hoặc nước sát khuẩn, việc này cũng sẽ hạn chế việc lây lan khi tiếp xúc bề mặt các vật dụng (nếu có virus rơi vào). Giữ vệ sinh và khử khuẩn thường xuyên môi trường hoạt động tập thể đông người (ít nhất 1lần/1tuần)
- Việc đeo khẩu trang chỉ sử dụng khi thật cần thiết, chẳng hạn như những bộ phận giao tiếp với nhiều người, khi giao tiếp thấy đối tượng có biểu hiện bệnh (như hắt hơi, ho, hoặc sốt) thì chúng ta phát cho người ấy chiếc khẩu trang với mục đích tránh virus lây lan. Việc đầu tư khẩu trang đại trà cho tất cả mọi người trong xí nghiệp cũng chưa thật sự hiệu quả vì khẩu trang chỉ dành cho những người nhiễm bệnh hoặc người tiếp xúc với người bệnh, còn người khỏe mạnh mà sử dụng khẩu trang không đúng cách (như kéo khẩu trang lên xuống khi đeo hoặc sử dụng lại nhiều lần )sẽ tự mình làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
- Trong các trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 thì có đến 60% là không có biểu hiện sốt. Do vậy việc đo thân nhiệt hàng ngày trong xí nghiệp cũng cần xem xét vì vừa tốn thời gian, vừa có nguy cơ lây lan do tiếp xúc gần (phải xếp hàng để đo thân nhiệt) hơn nữa dụng cụ đo thân nhiệt sử dung cho nhiều người, nếu không sát khuẩn kỹ cũng là yếu tố lây bệnh.
- Cần giáo dục mọi người trong doanh nghiệp các kỹ năng tự bảo vệ, có ý thức tự giác thông báo khi biết mình có biểu hiện mắc bệnh và hạn chế đến chổ đông người, mang khẩu trang khi tiếp xúc với người khác. Bên cạnh đó, cũng truyền thông vận động mọi người không kỳ thị và phân biệt đối xử với người mắc bệnh. Tuy nhiên, hiện nay người lao động còn có tâm lý giấu bệnh vì sợ nghỉ làm sẽ bị trừ tiền lương; điều này DN cần suy nghĩ để giải quyết vì người mắc bệnh mà vẫn đến nhà máy làm việc thì mức độ lây nhiễm sẽ lan rộng, sự tổn thất gây ra sẽ không nhỏ cho DN!
Nếu có dịch bệnh xảy ra tại đơn vị, việc đầu tiên là người nhiễm bệnh cần được cách ly khỏi khu vực, không nên trả CN về nhà trọ vì sẽ lây nhiễm nơi đây. Nên chuyển đến Y tế của DN (nếu có) hoặc Y tế của KCX-KCN, Trung tâm Y tế Dự Phòng địa phương nơi KCX-KCN trú đóng để can thiệp. Sau đó, tổ chức sát khuẩn trong vòng bán kính 2m nơi người bệnh có tiếp xúc, thực hiện thanh khiết môi trường, các vật dụng đã sử dụng..v..v.đảm bảo không để tái lây nhiễm do còn mầm bệnh; còn những phân xưởng khác vẫn hoạt động bình thường. Như vậy, chúng ta có thể vừa duy trì sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh song hành.
Phát huy Y tế cơ sở để phòng chống dịch bệnh
Theo TS BS lê Trường Giang, thời gian tới Sở Y Tế sẽ phối hợp với Hepza để hỗ trợ nghiệp vụ cho Y tế của DN và của mỗi Khu. Trước tình hình diễn tiến dịch cúm như hiện nay, mỗi DN, mỗi KCX-KCN có bộ phận Y Tế là điều cần thiết để xử lý khi có dịch, chỉ những trường hợp bệnh nặng có nguy cơ tử vong thì mới chuyển đến bệnh viện tuyến trên. Việc đầu tư này giúp chúng ta chuẩn bị tư thế để sẵn sàng đối phó khi dịch chuyển sang trạng thái nguy hiểm.
Trước mắt, sẽ triển khai chiến dịch truyền thông đến các KCX-KCN nhằm cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, mức độ nguy hiểm hiện nay và dự báo diễn biến trong tương lai….để tránh không hoang mang, không sợ hãi và cũng không mất cảnh giác,bình tĩnh, vững vàng đối phó với dịch bệnh.