Giảm diện tích 22 KCN, loại 5 KCN khỏi quy hoạch

Giảm diện tích 22 KCN, loại 5 KCN khỏi quy hoạch

Đây là phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020 của 31 tỉnh, thành phố.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa ra khỏi quy hoạch năm KCN và giảm diện tích sáu KCN chưa được thành lập tại năm tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Bến Tre và Tiền Giang; đồng thời giảm diện tích 16 KCN đã được thành lập tại 9 tỉnh, thành phố gồm Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, An Giang và Cần Thơ.

Cùng thời gian nay, Thủ tướng Chính phủ cũng cho điều chỉnh tăng diện tích bốn KCN đã được thành lập tại ba tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Đồng Tháp.

Việc điều chỉnh này của Chính phủ theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Phần lớn các KCN bị giảm diện tích hoặc bị đưa ra khỏi quy hoạch này chưa được cấp phép đầu tư, hoặc đã được cấp phép nhưng chưa triển khai, chưa tìm được nhà đầu tư thực hiện phát triển hạ tầng, hoặc chỉ triển khai một phần hạ tầng và việc thu hút đầu tư kém hiệu quả, chưa thu hút được đầu tư...

Đơn cử như ở tỉnh Lai Châu có đến hai KCN được đưa ra khỏi quy hoạch gồm KCN Mường So (200 héc ta) và KCN Tam Đường (200 héc ta). Đến nay cả hai KCN này vẫn chưa được thực hiện. Hay KCN An Dương ở Hải Phòng có tổng diện tích được duyệt là 800 héc ta và đến nay nhà đầu tư mới triển khai xây dựng hạ tầng trên diện tích 196 héc ta. 604 héc ta còn lại được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa ra khỏi quy hoạch...

Chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07 về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, KCN và cụm công nghiệp, định kỳ rà soát, đảm bảo việc phát triển các KCN trên địa bàn tuân thủ theo quy hoạch được phê duyệt.

UBND các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hút đầu tư vào các KCN; 10 tỉnh có tỷ lệ lấp đầy KCN thấp nhất, định kỳ sáu tháng/lần phải có báo cáo về tình hình thu hút đầu tư gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn và xử lý dứt điểm tình trạng KCN chậm triển khai, kém hiệu quả, các dự án đầu tư trong KCN chậm triển khai, vi phạm pháp luật. Chính quyền các địa phương cũng đồng thời phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quy hoạch chi tiết, môi trường, đất đai tại các KCN; thực hiện tốt công tác phổ biến quy hoạch, hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư các hộ dân thu hồi đất.

Về xử lý nước thải, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố còn KCN đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung lập phương án, lộ trình thực hiện và thời gian hoàn thành gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát tình hình xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của các địa phương trên.

Trước đây, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 07/CT-TTg yêu cầu tạm dừng việc bổ sung quy hoạch, thành lập mới các khu này trên cả nước cho đến khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.