"Giới hạn đỏ" cho dự án FDI chậm triển khai

"Giới hạn đỏ" cho dự án FDI chậm triển khai

 UBND tỉnh Ninh Thuận vừa quyết định hủy bỏ chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Timar Ninh Thuận trên địa bàn xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước của Công ty Timar Wind Solar Energy Sdn.Bhd (Malaysia). Lý do được ông Đỗ Hữu Nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thông báo là vì nhà đầu tư có văn bản kiến nghị cho dừng nghiên cứu, bởi vị trí dự kiến đầu tư dự án không thuận lợi về cơ sở hạ tầng và tốc độ gió không ổn định.

Cùng với việc dừng nghiên cứu ở huyện Ninh Phước, Timar cũng đã đề nghị việc đăng ký đầu tư ở vị trí khác và UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã giao các sở, ngành hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện việc này.

Không phải là thu hồi dự án và thực tế thì “cửa” vẫn đang tiếp tục mở cho Timar, nhưng trên thực tế, Dự án Nhà máy Điện gió Timar Ninh Thuận là một trong những dự án mà thời gian qua tỉnh Ninh Thuận đã phải liên tục hối thúc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư.

Chính thức ký biên bản ghi nhớ với Ninh Thuận hồi tháng 5/2012 về việc hợp tác đầu tư phát triển các dự án điện gió ở tỉnh này, với quy mô dự kiến 800 triệu USD và kế hoạch sẽ nhanh chóng hoàn thành thủ tục để khởi công trong năm 2012, song hơn 2 năm qua, không có nhiều tiến triển xung quanh việc nghiên cứu đầu tư dự án.

Cùng số phận với Timar, nhiều dự án điện gió khác ở Ninh Thuận cũng đang bị vào tầm ngắm vì chậm triển khai, cũng như chậm làm các thủ tục đầu tư. Các dự án của LandVille Energy (Hàn Quốc), Impsa (Argentina) hay Nhà máy Điện năng lượng tái tạo Phước Nam - Enfinity của Enfinity (Bỉ) là ví dụ điển hình. Tháng trước, UBND tỉnh Ninh Thuận đã lên tiếng nhắc nhở Enfinity nhanh chóng triển khai dự án có vốn đăng ký 266 triệu USD này để đưa nhà máy vào hoạt động trong tháng 12/2016.

Được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 3/2011, theo kế hoạch, Enfinity sẽ triển khai dự án để đến tháng 12/2012 có thể đưa dự án vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, Dự án vẫn chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định để tiến hành khởi công xây dựng và cũng đã nhiều lần xin gia hạn triển khai Dự án.

Cũng trong tháng trước, cùng với việc đồng ý gia hạn cho Enfinity, tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu nhà đầu tư phải nhanh chóng nộp tiền ký quỹ đảm bảo thực hiện Dự án. “Nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết, tỉnh sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Nghị bày tỏ quan điểm.

Không chỉ Ninh Thuận, nhiều địa phương khác cũng rất sốt ruột với tiến độ của nhiều dự án FDI. Ông Man Ngọc Lý, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn cách đây chưa lâu cũng cho biết, ông đang đề xuất việc thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Sản xuất xe buýt và các linh kiện ô tô quy mô 1 tỷ USD của nhà đầu tư Buscenter Met (Liên bang Nga). Được cấp chứng nhận đầu tư từ tháng 4/2013, Buscenter Met cam kết sẽ đưa Dự án đi vào hoạt động sau 36 tháng, song đến nay, ngay cả tiền thuê đất cũng vẫn chưa chịu nộp và chưa thực hiện bất cứ hoạt động nào liên quan đến việc xây dựng nhà máy.

Cho rằng nhà đầu tư không có năng lực tài chính để triển khai, Bình Định đang cân nhắc thu hồi dự án này.

Trong khi đó, Dự án Bãi Dài Resort của nhà đầu tư Starbay, một công ty con của Tập đoàn Millennium (Hồng Kông), vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, chỉ còn chưa tới 10 ngày nữa để thực hiện các điều kiện mà UBND tỉnh Kiên Giang đặt ra nếu muốn tiếp tục được đầu tư xây dựng dự án này. Đó là phải hoàn thành và trình phê duyệt hồ sơ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Nếu không, Kiên Giang cũng sẽ thu hồi Dự án.

Dự án Bãi Dài Resort chính thức được Starbay Holdings Ltd công bố vào cuối năm 2007, sau đó được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008. Theo kế hoạch khi đó, Starbay dự định xây dựng một khu du lịch trên diện tích 520 ha, trong đó giai đoạn I có vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD. Hàng loạt hạng mục xây dựng đã được lên kế hoạch, như khách sạn cao cấp, sân golf 18 lỗ, villa, bãi du thuyền… Toàn bộ Dự án dự kiến hoàn thành sau 12 năm xây dựng.

Tuy nhiên, từ đó tới nay, Bãi Dài Resort gần như án binh bất động. Trong khi tỉnh Kiên Giang đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở, thì ở chiều ngược lại, Starbay cũng đã từng có những đề xuất với UBND tỉnh Kiên Giang về việc điều chỉnh vốn đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện Dự án, thậm chí cả việc điều chỉnh phương án trả tiền thuê đất, từ trả tiền thuê đất một lần sang trả hàng năm trên cơ sở mức giá nhà đầu tư tự đề ra…

Ngay cả lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, ông Lê Khắc Ghi, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cũng đã thừa nhận, dự án này đã đủ điều kiện để thu hồi, song cân nhắc nhiều yếu tố, cộng thêm việc nhà đầu tư vẫn bày tỏ mong muốn theo đuổi Dự án, nên Kiên Giang đã nhiều lần “mở đường thoát hiểm” cho Starbay.

Chưa biết nhà đầu tư này có kịp thực hiện các điều kiện của tỉnh Kiên Giang để được “đi tiếp” hay không, nhưng rõ ràng, việc địa phương không ngừng rà soát và yêu cầu chủ đầu tư thúc đẩy nhanh tiến độ Dự án là việc làm cần thiết.

 

Cũng giống như Quảng Ngãi, với Dự án Thép Guang Lian, vốn đầu tư 3 tỷ USD, sau khi Tập đoàn JFE (Nhật Bản) tuyên bố không tham gia Dự án, lãnh đạo tỉnh cũng đã yêu cầu nhà đầu tư hiện thời - Tập đoàn E-United đẩy nhanh tiến độ triển khai. Nếu không, phương án đơn phương thu hồi Dự án cũng đã được tính đến.