Hạ tầng viễn thông sẽ không còn phát triển tự phát?
Vì thế cần thiết phải có một “bàn tay” của Nhà nước quản lý.
Đây là quan điểm của Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/8/2009, khi Ủy ban cho ý kiến một số vấn đề lớn của dự án luật viễn thông.
Phải có “bàn tay” quản lý của Nhà nước Theo tờ trình của Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại phiên thảo luận, thì trong thời gian qua, việc phát triển và quản lý hạ tầng viễn thông, việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho xã hội, làm mất mỹ quan đô thị và lãng phí nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành điện lực, cấp thoát nước, giao thông, xây dựng, viễn thông, truyền hình cáp…
Để khắc phục tình trạng trên, quan điểm của Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường cho rằng cần quy định các doanh nghiệp viễn thông phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là cột ăng ten, nhà trạm, cống bể cáp để nâng cao hiểu quả đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai.
Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, vừa rồi các doanh nghiệp chủ động làm nên việc quy hoạch hạ tầng viễn thông và làm mất mỹ quan đô thị, giờ cần thiết phải có bàn tay của Nhà nước quản lý.
Tuy nhiên, theo ông Hợp, để thực hiện dùng chung hạ tầng thì cần phải xã hội hóa phát triển hạ tầng viễn thông, nghĩa là các doanh nghiệp và địa phương cùng chung tay xây dựng hạ tầng, nếu không vấn đề dùng chung sẽ rất khó khăn.
“Khi xã hội hóa hạ tầng thì doanh nghiệp sẽ phải tính toán với các địa phương để cùng tìm cách khai thác hạ tầng viễn thông”, ông Hợp nói. Đối với việc ngầm hóa hạ tầng công trình kỹ thuật, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết Bộ đang thí điểm Đà Nẵng và Bắc Ninh, sau đó sẽ tổng kết rút kinh nghiệm và chỉ đạo rồi triển khai rộng rãi tại các địa phương trên cả nước.
Tại phiên họp, một số đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về việc quản lý sử dụng dịch vụ điện thoại di động trả trước, số lượng thuê bao ảo lớn và gây lãng phí tài nguyên kho số quốc gia. Ngoài ra, tình trạng nhắn tin, quảng cáo rác vẫn xảy ra gây phiền toái, ảnh hưởng không nhỏ đến người sử dụng điện thoại.
Ông Hợp cho biết, hiện Chính phủ đã ban hành những nghị định quản lý và Bộ đang đẩy mạnh triển khai, tuy nhiên, do việc triển khai dữ liệu chứng minh thư của Bộ Công an còn chậm nên chưa thể chưa đẩy nhanh được tốc độ quản lý thuê bao trả trước. Theo ông Hợp, nếu có chứng minh thư thì kiểm soát hoàn toàn đơn giản.
Hiện Bộ đang chờ tiến độ chứng minh thư điện tử và hộ chiếu điện tử của các cơ quan liên ngành, lúc đó chắc chắn sẽ quản lý được hoàn toàn thuê bao di động. Vẫn thu phí nhưng cân nhắc đặt tên thu thuế Khi lần đầu tiên dự thảo Luật Viễn thông đưa ra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng nên thực hiện thu thuế sử dụng tài nguyên viễn thông thay cho thu phí như dự thảo.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường, tài nguyên viễn thông bao gồm kho số viễn thông, tên miền Internet, phổ tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh đều là vô hình và được đầu tư rất lớn mới có thể đưa vào sử dụng được nên chỉ quy định về phí sủ dụng tài nguyên viễn thông như trong dự thảo, hơn nữa các nước trên thế giới cũng không áp dụng hình thức thu thuế đối với tài nguyên viễn thông.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng đồng tình nên thực hiện thu phí sử dụng tài nguyên viễn thông như theo thông lệ và quy trình của quốc tế nhưng nên cân nhắc là đặt tên thu thuế cho thống nhất với thuế tài nguyên.
Theo các ý kiến được đưa ra, các doanh nghiệp viễn thông có thể nộp phí kinh doanh dịch vụ viễn thông theo một trong ba hình thức: nộp hàng năm trên cơ sở doanh thu, nộp hàng năm theo mức cố dịnh và nộp một lần theo mức cố dịnh cho toàn bộ thời hạn của giấy phép.
Một vấn đề mà nhiều đại biểu cũng thắc mắc là có nên thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành hay thanh tra chuyên ngành viễn thông, vì lo chức năng quản lý của cơ quan này sẽ “làm thay” chức năng của Bộ trưởng.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, bộ trưởng không thể làm hết tất cả các việc mà cần có cơ quan quản lý Nhà nước làm tham mưu cho bộ trưởng và trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ.
Theo Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, việc hình thành cơ quan này quy định trong luật về cơ bản là hoàn toàn đúng với chức năng nhưng vấn đề cách thức thể hiện trong dự thảo còn chưa được rõ ràng và cần được góp ý để hoàn thiện.