Hải Phòng - điểm sáng trong thu hút nguồn vốn FDI

Trong số hơn 2,7 tỷ USD này, LG Display Hải Phòng là dự án đáng chú ý bởi riêng dự án này có vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD. Đây là dự án do LG Display co.,Ltd (Hàn Quốc) đầu tư, nhằm sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng...

Trước đó, LG Electronic cũng đã đầu tư dự án sản xuất thiết bị điện, điện tử LG trên dây chuyền tự động, hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á với số vốn 1,5 tỷ USD tại Khu công nghiệp Tràng Duệ. Mới đây nhất, khu công nghiệp này cũng đón nhà đầu tư LG Innotek Co., Ltd. (Hàn Quốc) thực hiện Dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 550 triệu USD. Đây là dự án thứ 3 mà Tập đoàn LG đầu tư tại Hải Phòng.
 
Các dự án FDI tại Hải Phòng cơ bản tập trung vào công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo các thiết bị điện tử, chi tiết và linh kiện công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, các sản phẩm đất hiếm... Trong số này có Dự án Sản xuất linh phụ kiện cho máy giặt, tủ lạnh và xe có động cơ với tổng vốn đầu tư 42,25 triệu USD của nhà đầu tư SL Electronics Co., Ltd. (Hàn Quốc). Dự án Nhà máy kính năng lượng mặt trời Flat Việt Nam của Công ty TNHH Flat (Hồng Kông) với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, Dự án Sản xuất nam châm đất hiếm, với việc đầu tư sản xuất áp dụng công nghệ nguồn 100 triệu USD... Ngoài ra, còn nhiều dự án của những thương hiệu nổi tiếng khác, như Dự án Nhà máy Sản xuất thuốc tiêu chuẩn cao Nipro Pharma (Nhật Bản) với số vốn đầu tư 250 triệu USD; Nhà máy Sản xuất máy in, máy photocopy và máy đa năng của Fuji Xerox với số vốn đầu tư 119 triệu USD; Nhà máy Kyocera (vốn đâfầu tư 187 triệu USD)...
 
Bên cạnh các dự án mới nhận giấy chứng nhận đầu tư, nhiều dự án cũng điều chỉnh tăng vốn khá lớn như Dự án Nhà máy Sản xuất lốp xe Bridgestone tại Hải Phòng (từ 574,8 triệu USD lên 1,224 tỷ USD). Nhà đầu tư Regina Miracle International Ltd. (Hong Kong) cũng điều chỉnh tăng vốn dự án sản xuất các loại áo lót, quần lót nữ, giày và quần áo thể thao tại Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng từ 150 triệu USD lên 235 triệu USD. Hay như Dự án Sản xuất các chi tiết, phụ tùng, linh kiện nhựa và đóng gói EPS của Công ty TNHH Điện tử Dong Yang Hải Phòng của nhà đầu tư Top And Yangji (Hàn Quốc) tăng vốn đầu tư từ 95 triệu USD lên 98,1 triệu USD...
 
Ông Lê Trung Kiên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết, trên địa bàn Thành phố có 478 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 13,611 tỷ USD. Thời gian qua, Hải Phòng đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn. Điển hình là các cơ chế ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân dành cho khu kinh tế ven biển (miễn 4 năm, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân) để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, Hải Phòng đã tập trung đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án cơ sở hạ tầng tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Khu công nghiệp Tràng Duệ, Khu công nghiệp Đình Vũ, Khu công nghiệp Hỗ trợ chuyên sâu dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đến nay, Hải Phòng đã có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và vượt trội. Với tổng kinh phí đầu tư hơn 4,1 tỷ USD, hệ thống hạ tầng giao thông tại Hải Phòng, trong đó có các công trình lớn như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi... đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hệ thống đường cầu Tân Vũ- Lạch Huyện và cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng nước sâu tiêu chuẩn lớn nhất khu vực phía Bắc), cầu Bạch Đằng, mở rộng Quốc lộ 10... đang khẩn trương thi công và đưa vào sử dụng trong cuối năm 2017.
 
Có thể thấy, khi Tập đoàn LG đầu tư vào Khu công nghiệp Tràng Duệ đã kéo theo hàng chục nhà đầu tư vệ tinh. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy thu hút vốn FDI của Hải Phòng có sự thay đổi về chất, thay vì sử dụng nhiều tài nguyên như trước, đã chuyển hướng sang các ngành công nghiệp cao, công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường; từ một dự án lớn có thể kéo theo nhiều dự án khác, tạo thành chuỗi cung ứng liên hoàn và tiện lợi.
 
Song song với việc thu hút nhà đầu tư, Hải Phòng cũng đang tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật, tổ chức quản lý đáp ứng yêu cầu của các dự án lớn, đòi hỏi công tác quản lý tiên tiến; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư một cách chuyên nghiệp, có hiệu quả. Hải Phòng còn định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, lựa chọn các dự án của các nhà đầu tư có suất đầu tư cao, vốn lớn, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, có giá trị gia tăng cao, sản phẩm thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Từ đó, xây dựng Hải Phòng trở thành Thành phố Cảng xanh, trung tâm công nghiệp - thương mại - tài chính của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thực sự trở thành điểm đến thành công của các nhà đầu tư.