Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020: Sửa sai hay làm mới?
Huy động nguồn lực tới hạn
Nguồn cơn của câu hỏi “sửa sai hay làm mới” từ giới chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016: Thách thức tái cơ cấu và triển vọng diễn ra giữa tuần này chính do kết quả khiêm tốn của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2011-2015 sau 5 năm, dù thực hiện rất vất vả, khiến mô hình tăng trưởng không thay đổi là mấy.
Là người trong cuộc của các đề xuất liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng phải thừa nhận thực tế trên.
Ngay trong các báo cáo chính thức, thì mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn được nhận định là chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp… Thậm chí, nếu chọn riêng mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế là phân bổ lại nguồn lực xã hội, để từ đó thay đổi hệ thống động lực cho phát triển, thì kết quả 5 năm qua gần như không đạt được.
“Nguồn lực vẫn phân bổ theo hành chính xin – cho, gần như giai đoạn 2006-2008, chỉ khác là chưa bất ổn kinh tế vĩ mô thôi. Ở góc độ này thì tái cơ cấu đúng là chưa làm được gì”, ông Cung nói.
Vấn đề nằm ở chỗ, trọng tâm mà hệ tư duy chính thống luôn hướng tới là huy động các nguồn lực để thực hiện các nỗ lực tái cơ cấu. Trong mối giằng co giữa huy động và phân bổ hiệu quả, có vẻ như cán cân nghiêng nhiều về huy động.
Hệ quả là, một bức tranh kinh tế với nhiều chữ… rất cao. Đó là tỷ lệ đầu tư khá cao so với thông lệ, nhưng hiệu quả thấp; huy động qua ngân sách cao, chi ngân sách cao, bội chi ngân sách từ đó rất cao; chi thường xuyên cũng rất cao, mức huy động không đủ chi cho thường xuyên; thâm hụt ngân sách rất cao; nợ công cao và tăng rất nhanh; huy động tín dụng cao; huy động nguồn vốn đầu tư nước ngoài rất cao…
“Xét về năng lực huy động nguồn lực, chúng ta đã làm rất tốt, nhưng mọi giới hạn đã tới ngưỡng. Vấn đề bây giờ không chỉ huy động nguồn lực, mà sử dụng hiệu quả hơn, để từ đó khơi thông dòng chảy các nguồn lực xã hội. Nếu không hiệu quả, các dòng chảy sẽ khô cạn dần”, ông Cung chia sẻ quan điểm.
Các bài học kỷ luật
Không ai phủ nhận quan điểm của ông Cung về nguyên tắc phân bổ hiệu quả các nguồn lực. Trước khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015, vấn đề này cũng đã được đặt ra và cũng nhận được sự đồng thuận.
Nhưng bắt tay thực hiện được lại là vấn đề khác, vì phân bổ lại nguồn lực đồng nghĩa với quyền lực sẽ được tái cấu trúc. Sẽ có nhiều người không muốn thay đổi vị thế, quyền lực hiện có với những lý do không hẳn vì quyền lợi cá nhân, mà vì ngành, vì địa phương, vì một nhóm lợi ích nào đó....
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam không ngần ngại nhắc tới cách ứng xử khá quen trong thực thi tái cơ cấu giai đoạn vừa qua. Đó là thấy có lợi cho mình thì làm, không thì thôi, động lực thay đổi không có.
“Chúng ta nói là đang thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhưng nhìn vào thực chất thì phần việc này đang được thực hiện theo logic là để hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành số lượng doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thôi. Mọi việc có vẻ được dẫn dắt bởi chủ nghĩa thành tích. Vì thực chất của sứ mệnh này là phân bổ lại nguồn vốn quốc gia, chuyển một phần vốn cho khu vực tư nhân quản lý, sử dụng chỉ đạt được không đáng kể, khoảng 10-15%tổng số vốn của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa”, ông Thiên phân tích.
Rõ ràng có câu chuyện về kỷ luật thực thi các kế hoạch tái cơ cấu, hay như ông Thiên đặt phản đề là có hay không nỗ lực để giữ lại mô hình cũ.
Thậm chí, soi vào 16 gợi ý chính sách mà 2 chuyên gia của Chương trình Giảng dạy Fulbright gửi tới Diễn đàn về nội dung bắt mạch nợ công Việt Nam, phần lớn giải pháp đều liên quan đến siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài khóa. Theo phân tích của 2 chuyên gia Nguyễn Xuân Thành và Đỗ Thiên Anh Tuấn, bức tranh nợ công hay bội chi ngân sách của Việt Nam là hệ quả của những lỏng lẻo trong kỷ luật ngân sách – nguyên do của những cơ chế khuyến khích ngược – thúc đẩy thành tích ảo thay vì tuân thủ quy định.
Đây cũng là một phần kiến nghị mà ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM khảng khái đặt ra, đó là nếu làm được như những gì đã nói, đã cam kết cũng tốt lắm rồi.
“Có nhiều mục tiêu phải thực hiện tái cơ cấu. Ở Việt Nam, tái cơ cấu nền kinh tế vừa để sửa sai, vừa để phát triển. Nghĩa là phải trả lời được hai câu hỏi là vì sao nền kinh tế đến nông nỗi này và những thay đổi thời cuộc nào đang đặt Việt Nam vào hướng phát triển mới. Niềm tin của người dân đang phụ thuộc vào kết quả của các hành động này”, ông Bá khuyến nghị.
Ý kiến - Nhận định
Việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu cần có tính cưỡng chế từ bên trên xuống
Ông Võ Đại Lược, Chuyên gia kinh tế
Nhận định về thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu, tôi cho là về cơ bản chưa chuyển động. Lý do vì muốn tái cơ cấu thì cái đầu, tư duy phải “tái” trước, chứ tư duy như cũ thì không thể thay đổi được.
Hệ quả là, doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa cải thiện về hiệu quả; đầu tư công vẫn gần như cũ, nền kinh tế theo cơ chế kinh tế thị trường nhưng vẫn đang chịu sự chi phối của các loại hàng hóa bị kiểm soát độc quyền về giá như điện, xăng dầu…
Nếu chúng ta không xử lý tốt các vấn đề này thì cơ hội của nền kinh tế trong giai đoạn tới đây sẽ không tận dụng được, sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Vấn đề tái cơ cấu là việc đại sự của đất nước, cần có ban chỉ đạo đủ quyền lực. Ban chỉ đạo này cần có hội đồng tư vấn có trí tuệ, hoạt động trong nhiều ngành.
Đặc biệt, việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu cần có tính cưỡng chế từ trên xuống, chứ không thể đợi các cấp dưới trình kế hoạch lên như hiện tại…
Giả sử Chính phủ kiên quyết giữ kỷ luật ngân sách thì bội chi giảm được đáng kể
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy Fulbright
Câu hỏi liệu Việt Nam có thể giảm được bội chi ngân sách theo lộ trình cải cách tài khóa như cam kết hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào nỗ lực của Chính phủ, chứ không phải “định mệnh”.
Ở phương diện thu ngân sách, số quyết toán luôn cao hơn số dự toán. Một phần nguyên nhân là địa phương lập dự toán thấp để thực hiện dễ dàng, lại được thưởng vượt thu. Cơ chế “khuyến khích ngược” này khiến nhiều địa phương có động cơ che đậy nguồn thu vì có lợi hơn cho đánh giá thành quả.
Ở phương diện chi ngân sách, tình trạng vượt dự toán cũng thường xuyên diễn ra. Lý do không phải do địa phương muốn che đậy nhu cầu chi tiêu của mình mà do tính kỷ luật, kỷ cương tài khóa không nghiêm.
Giả sử Chính phủ kiên quyết giữ kỷ luật chi ngân sách theo đúng dự toán được duyệt thì bội chi giảm được đáng kể, có năm còn thặng dư. Nếu kiểm soát cả chi ngân sách và thoái vốn, bội chi có thể giảm dưới 3%. Đây chính là hàm ý chính sách của chúng tôi.
Tôi đề xuất cần có ban chỉ đạo cấp nhà nước để chỉ đạo chung về tái cơ cấu
Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
5 năm vừa rồi, bàn về tái cơ cấu, chúng ta định tính nhiều, định lượng ít. Các hội thảo bàn nhiều nhưng chương trình hành động với những sơ đồ mạng lưới để theo dõi thực thi không đạt yêu cầu.
Bởi vậy, khi nói về tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm tới, tôi nghiêng về các hành động cụ thể, chương trình cụ thể. Nói riêng về tái cơ cấu ngân hàng, có hai từ là quan điểm và kỹ thuật. Khi thống nhất quan điểm thì sẽ có kỹ thuật để làm.
Thứ nhất, về quan điểm, với tôi, xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020 không phải vì một vài cổ đông, một vài ngân hàng mà là nền kinh tế. Nhưng, xử lý nợ xấu không bằng khầu hiệu xuông, phải có nguồn lực.
Thứ hai, tái cơ cấu không thể thành công khi ngân hàng nhà nước không thể đơn thương độc mã, không thể làm được nếu cứ bàn đến phần liên quan đến bộ nào, thì lãnh đạo bộ đó lại đòi mọi việc phải tuân thủ theo quy định pháp luật chuyên ngành. Tôi đề xuất cần có ban chỉ đạo cấp nhà nước để chỉ đạo chung về tái cơ cấu…