Hàng loạt doanh nghiệp rót vốn vào Thừa Thiên - Huế
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư do địa phương này tổ chức ngày 8/8, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư, trong đó có cam kết hỗ trợ hạ tầng đến tận chân hàng rào các dự án; cam kết cung cấp nguồn lao động hỗ trợ đào tạo nguồn lao động địa phương; cam kết đối thoại đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư, đi cùng nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục hành chính theo luật định…
Một số doanh nghiệp lớn trong nước đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có Công ty Cổ phần Tập đoàn BRG nhận quyết định chấp thuận địa điểm nghiên cứu đầu tư dự án khu nghĩ dưỡng cao cấp tại khu vực tiếp giáp hai xã Vinh Thanh và Vinh Xuân, huyện Phú Vang với tổng vốn dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng; Tập đoàn Vingroup nhận quyết định chủ trương đầu tư cho dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Vineco – Thừa Thiên Huế với tổng vốn đăng ký đầu tư 525 tỷ đồng; dự án trung tâm thương mại Vincom Tứ Hạ với tổng vốn đăng ký đầu tư 215 tỷ
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Du lịch Mỹ An – thành viên của tập Đoàn Bitexco nhận quyết định chủ trương đầu tư cho dự án khu nghỉ dưỡng nước nóng Mỹ An Huế với tổng vốn đăng ký đầu tư 544,8 tỷ đồng; Công ty Hanex nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy may mặc Hannex Huế với tổng vốn đăng ký đầu tư 222,6 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tisco Huế nhận quyết định chủ trương đầu tư dự án khu nhà ở sinh viên tại khu quy hoạch Đại học Huế với tổng vốn đăng ký đầu tư 200 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5 nhận quyết định chủ trương đầu tư dự án Trang trại tổng hợp Hoàng Bằng với tổng vốn đăng ký 136.6 tỷ đồng…
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết “dư địa” cho đầu tư, phát triển của Thừa Thiên - Huế là rất lớn khi Bộ Chính trị đã có nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
“Mong muốn của Trung ương là Thừa Thiên - Huế trở thành trung tâm về du lịch, dịch vụ, y tế, khoa học, công nghệ, giáo dục của cả nước nên mọi quy hoạch, kế hoạch phải làm theo tinh thần này”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phó thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh công bố chính sách đầu tư rõ ràng hơn, danh mục dự án đầu tư cụ thể hơn nữa khi mà tổng số dự án cần kêu gọi hiện nay mới có 30 dự án (trong đó có 10 dự án đã có nhà đầu tư) là quá ít.
Đối với hạng mục cảng ở Chân Mây, Phó thủ tướng nêu rõ quan điểm của Chính phủ là Nhà nước không bỏ tiền đầu tư mà để tư nhân làm. Nếu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) không làm được thì thu hồi lại cho doanh nghiệp khác làm, cả cầu tàu và cầu hàng.
Trong lĩnh vực du lịch, Thừa Thiên - Huế phải khắc phục thực trạng “giàu tiềm năng nhưng ít khả năng, không có sản phẩm dịch vụ du lịch nào ra tấm ra miếng”. Hiện giá trị của ngành du lịch, dịch vụ của Thừa Thiên - Huế là 50% GDP của địa phương, nhưng đóng góp vào ngân sách thì rất thấp. Tới năm 2020 tỉnh mới chỉ đặt mục tiêu du lịch, dịch vụ đóng góp từ khoảng 30% vào thu ngân sách địa phương.