Hàng xuất khẩu Việt Nam phù hợp thị trường Trung Đông, châu Phi
Thông tin này được ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) chia sẻ tại Hội thảo “Thông tin thị trường Trung Đông, châu Phi - Cơ hội và thách thức” tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12/6.
Các nước châu Phi có nhu cầu thị trường lớn, dễ tính đối với những mặt hàng tiêu dùng, máy móc thiết bị sản xuất, còn những quốc gia Trung Đông đang cần nhập khẩu lương thực, thực phẩm, nông sản, thủy sản,
Kinh tế của các nước này tăng trưởng tương đối nhanh trong thời gian vừa qua, nhiều chương trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế được triển khai tích cực.
Ông Phạm Trung Nghĩa cho biết trong vài năm gần đây, một số nước Trung Đông, châu Phi đã chứng minh được tiềm lực kinh tế mạnh, nguồn dự trữ ngoại tệ cao nhờ vào xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và các loại khoáng sản có giá trị.
Đồng thời là những quốc gia đang đứng đầu thế giới về tốc độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, với hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài qua các chính sách linh hoạt, thử nghiệm hình thức hợp tác mới.
Hiện tại, các nước Trung Đông, châu Phi có thế mạnh nổi trội về nguồn lao động, cung cấp nguyên liệu sản xuất, sản phẩm nông nghiệp, phát triển du lịch…
Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại thị trường Trung Đông, châu Phi cho rằng, hàng hóa của Việt Nam đã từng bước xây dựng được thương hiệu và chiếm lĩnh thị phần nhất định ở các nước trong khu vực này.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh thực tế tại thị trường này cho thấy doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin để tránh các thiệt hại cũng như có giải pháp đối phó kịp thời.
Điển hình như thương nhân đã có visa nhập cảnh vào Israel trong hộ chiếu sẽ bị từ chối nhập cảnh vào các nước Arab do đó nên sử dụng visa rời khi vào Israel hoặc đối với những sản phẩm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm nhập khẩu cần có chứng nhận Halal.
Đồng thời người Arab có thói quen nhận biết tận mắt sản phẩm mua bán nên muốn tiếp xúc trực tiếp với đối tác kèm hàng mẫu; không chấp nhận quảng cáo hình ảnh nhạy cảm liên quan đến sản phẩm, bao bì sản phẩm; nhãn mác, bao bì phải có tiếng Arab…
Trong 4 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực châu Phi tăng 14,1%, trong đó những thị trường lớn như Nam Phi, Ai Cập, Algieria, Nigeria, Ghana… đạt sự tăng trưởng, nhưng cũng có một số thị trường quan trọng khác có kim ngạch xuất khẩu giảm như Cote divoire, Angola…
Những mặt hàng xuất khẩu chính có kim ngạch xuất khẩu tăng là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, vật liệu xây dựng.
Các loại nông sản khác (càphê, hạt tiêu) và thủy hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường châu Phi đều có sự tăng trưởng, riêng mặt hàng gạo bị giảm mạnh do sự cạnh tranh của gạo giá rẻ của các quốc gia khác như Thái Lan, Ấn Độ