Hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế

Thực hiện công văn số 1762/UBND-VX ngày 22/4/2009 của Ủy ban Nhân dân Thành phố về triển khai thực hiện Quyết định 30;

Để các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp có nhu cầu vay tiếp cận nguồn hỗ trợ của Chính phủ, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố (HEPZA) hướng dẫn một số nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC như sau:

1. 
Đối tượng vay: là các doanh nghiệp có đủ các điều kiện sau:
a) Doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế (trong năm 2009) thuộc các thành phần kinh tế chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho người lao động bị mất việc làm.
b) Doanh nghiệp có số lao động phải giảm từ 30% trở lên hoặc từ 100 lao động trở lên (không kể lao động thời vụ có thời hạn dưới 3 tháng).
c) Doanh nghiệp đã sử dụng các nguồn của doanh nghiệp nhưng vẫn chưa đủ để thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc. Các nguồn của doanh nghiệp để thanh toán các khoản nêu trên bao gồm: Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm, các khoản tiền lương phải trả cho người lao động kể cả Quỹ dự phòng tiền lương, các nguồn đã trích để đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. 
Thời hạn vay: tối đa 12 tháng.

3. 
Mức vay:
Được xác định bằng nhu cầu chi trả nợ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho người lao động trừ đi các nguồn của doanh nghiệp đã được xác định tại điểm c mục 1 nêu trên, nhưng mức vay tối đa bằng số kinh phí để thanh toán nợ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc phải trả cho người lao động bị mất việc làm của doanh nghiệp.

4. 
Lãi suất vay: 0% (không phần trăm).

5. 
Cơ quan cho vay: Ngân hàng phát triển Việt Nam.

6. 
Trình tự, thủ tục vay:
    -   Thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
    -   Doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với tổ chức công đoàn cơ sở xây dựng Phương án sắp xếp lao động (theo mẫu số 1 Thông tư liên tịch 06 đính kèm) và nộp HEPZA để được xác nhận và chuyển cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tp.HCM.
    -   Doanh nghiệp có trách nhiệm nộp Báo cáo tài chính quý gần nhất của doanh nghiệp và báo cáo các nguồn của doanh nghiệp tại điểm c mục 1 nêu trên cho Sở Tài chính (142 Nguyễn Thị Minh Khai Quận 3).
Trong thời hạn 5 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị xác nhận, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tp.HCM và Sở Tài chính sẽ có văn bản xác nhận gửi cho doanh nghiệp.

7. Thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho người lao động sau khi được vay:
      a) Trong thời hạn 07 (bảy) ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận được thông báo của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam về việc cho vay, doanh nghiệp có trách nhiệm cùng với Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam thanh toán một lần tiền lương, trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho từng người lao động và đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo phương án đã được thẩm định.
      b) Trong thời hạn 14 (mười bốn) ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận được thông báo của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam về việc cho vay, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo với HEPZA, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tp.HCM về việc thanh toán cho người lao động (theo mẫu số 2 Thông tư liên tịch 06 đính kèm).

Các doanh nghiệp đủ điều kiện và có nhu cầu vay, nghiên cứu các văn bản nêu trên để thực hiện.