Việt Nam là một trong số ít nước châu Á tăng trưởng dương năm 2009
Từ phải qua: ông Justin Wood, Giám đốc phụ trách Corporate Network tại khu vực Đông Nam Á tcủa Economist Intelligence Unit, đồng Chủ tịch tại Hội nghị, ông Charles Goddard, Tổng biên tập của Economist intelligence Unit - đồng chủ tịch của Hội nghị, ông Nigel Waters, Tổng giám đốc Nokia Siemens Việt Nam, ông Thomas Tobun, Tổng giám đốc điều hành của HSBC tại Việt Nam. Ảnh: T.B. |
Chủ đề của Hội nghị Quốc tế về Kinh tế Đối ngoại năm ngoái là “Việt Nam - ngôi sao đang lên”, và dự đoán tăng trưởng GDP Việt Nam 2008 là 8%. Tuy nhiên, hội thảo năm nay diễn ra trong không khí ảm đạm dưới bóng đen suy thoái kinh tế thế giới trong chủ đề “Định vị Việt Nam trong tương lai”.
Ông Thomas Tobin, Tổng giám đốc Điều hành của HSBC tại Việt Nam nhận định Việt Nam từng được coi là điểm đến hấp dẫn nhất tại châu Á của các nhà đầu tư. GDP 2007 của Việt Nam là 8,44%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2008 đạt tới 60 tỷ USD. Tuy nhiên cơn bão tài chính đã đẩy lùi tăng trưởng 2008 của Việt Nam về 6,62 %, thổi lạm phát tăng lên gần 30%.
Ông Justin Wood, đồng Chủ tịch Hội nghị, đồng thời là Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á tại Economist Intelligence Unit, một bộ phận của tạp chí The Economists nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ chỉ còn 0,3%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm tới 70%.
Tuy vậy, theo Justin Wood, Việt Nam vẫn là một trong số ít những nước tại châu Á có tăng trưởng dương năm 2009. Dự đoán của Hội thảo về GDP của Mỹ năm nay là âm 2,5% , EU âm 3%, và Nhật Bản âm 5,5%.
Ông Justin Wood: "Việt Nam tuy tăng trưởng năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái nhưng là một trong số ít những nước ở châu Á có GDP dương trong năm nay". Ảnh: T.B. |
Lập luận cho những dự đoán của mình, ông Justin Wood cho rằng xuất khẩu của Việt Nam nằm trong bối cảnh chung của châu Á sẽ giảm 31% trong 2009. Xuất khẩu từ Việt Nam đi các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ giảm tới 60%. Theo ông Justin Wood, mặc dù Việt Nam chủ yếu xuất đi hàng giá trị thấp như nông sản, may mặc, nhu cầu thế giới cho những sản phẩm này cũng đã đi xuống. Tháng 1/2009, nhập khẩu may mặc của Mỹ giảm 18%.
Để chứng minh cho dự đoán, ông Justin Wood cho biết mới đây giới chức lãnh đạo Đài Loan đã lùi dự đoán tăng trưởng GDP của vùng lãnh thổ này từ 3% về âm 3%, bằng với dự đoán từ cuối năm ngoái của nhóm chuyên gia Economist Inntelligence Unit.
Những con số dự đoán của nhóm chuyên gia trong Hội nghị lần này dựa trên một số thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB). Mới đây, WB xếp Việt Nam đứng thứ 92 về môi trường kinh doanh thuận lợi trong tổng số 181 nước năm 2009. So với các nước khác trong khu vực châu Á, tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam không những không nhanh bằng mà còn thụt lùi. Năm 2008, xếp hạng của Việt Nam trong lĩnh vực này là 87.
Ngân hàng Thế giới cho rằng có những mảng Việt Nam cần phải cải thiện hơn nữa như lĩnh vực thuế đang xếp thứ 140. Theo báo cáo của Ngân hàng, mỗi năm một doanh nghiệp tại Việt Nam phải bỏ ra 1000 giờ để giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế, trong khi tại Singapore con số này chỉ là 30 giờ.
Cũng theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 121 về vấn đề tham nhũng. Tại Hội thảo lần này, ông Thomas Tobin, Tổng giám đốc điều hàng của HSBC tại Việt Nam kêu gọi Chính phủ Việt Nam mở rộng đối thoại về phòng chống và xử lý tham nhũng.
Tuy nhiên, ông Thomas Tobin và Justin Wood cùng chung dự đoán lạm phát của Việt Nam sẽ lùi về 4% vào giữa năm 2009, và giảm xuống 1% về dài hạn.
Tổng giám đốc điều hành của HSBC tiếp tục nhắc lại một vấn đề nêu ra từ Hội nghị năm ngoái là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao ngành ngân hàng tại Việt Nam có thể còn rõ rệt hơn trong tương lai.
Các chuyên gia nhận định cơ sở hạ tầng yếu kém đang cản trở sự phát triển của đất nước. Hệ thống đường xá, giao thông chưa theo kịp với tiềm năng của Việt Nam.
Tuy vậy, ông Thomas Tobin đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam về nỗ lực giải quyết những vấn đề này thông qua việc đưa cơ sở hạ tầng và phát triển xã hội vào nội dung của gói kích thích trị giá 6 tỷ USD.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia Việt Nam không đồng ý với nhận định của nhóm chuyên gia Economist Intelligence Unit. Tiến sĩ Võ Trí Thành từ Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng các chuyên gia khác nhau đưa ra những dự đoán khác nhau về kinh tế Việt Nam 2009. Tuy vậy, trong số hàng chục dự đoán đó, ông Thành cho rằng con số 0,3% là điều khó có thể xảy ra.
Việt Nam đang từng bước phấn đấu từ một nước có thu nhập thấp trở thành nước có thu nhập vừa. Tuy nhiên cùng lúc đó, các quốc gia khác tại châu Á cũng có những bước tiến mạnh mẽ. Một số nước tại châu Á đã thành công như Hàn Quốc, đưa thu nhập bình quân đầu người từ trung bình đến cao. Một số nước khác như Indonesia, Philippines đã chững lại sau khi đạt được mức thu nhập trung bình.
Ông Justin Wood kết luận rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ trở thành một nước chững lại như Indonesia hay tiến lên như Hàn Quốc là một câu hỏi lớn trong thời điểm hiện nay.
Hội nghị Quốc tế về Kinh tế Đối ngoại sẽ bắt đầu từ sáng mai 17/3 với sự tham dự của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cùng một số chuyên gia như ông Paul Leech, Giám đốc Quốc tế của Ngân hàng HSBC khu vực Thái Bình Dương, ông David Fernandez, Giám đốc điều hành, phụ trách nghiên cứu thị trường mới nổi của JP Morgan.