Hoành Bồ (Quảng Ninh): Tập trung thu hút đầu tư để chuyển đổi cơ cấu kinh tế
Một Hoành Bồ chuyển mình mạnh mẽ
Xuất phát điểm của Hoành Bồ là một huyện có cơ cấu kinh tế thuần túy nông nghiệp, giá trị sản xuất thấp, những năm gần đây, với sự nỗ lực xây dựng và phát triển, Hoành Bồ đã có nhiều sự thay đổi theo hướng tích cực. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch sang công nghiệp, dịch vụ - thương mại và nông nghiệp, trong đó ngành công nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Bộ mặt đô thị đã có sự thay đổi rõ nét với việc thị trấn Trới đã được công nhận là đô thị loại IV vào tháng 2/2015. Kinh tế đã có bước phát triển khá sôi động hơn với những hoạt động sản xuất công nghiệp như: Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long, Xi măng Thăng Long, Xi măng Hạ Long, Nhà máy Sản xuất gạch Viglacera, …
Nông nghiệp của huyện cũng đã được hiện đại hóa và chuyên canh với những cây, con chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình đã thành công như cam Canh (khu 8 - thị trấn Trới), ổi Đài Loan (xã Sơn Dương), nấm linh chi (xã Đồng Lâm), mật ong (xã Thống Nhất), hoa lan (xã Sơn Dương)… Ngành dịch vụ - thương mại, đặc biệt là dịch vụ du lịch có sự phát triển nhanh. Nếu năm 2010, tỷ trọng ngành dịch vụ - thương mại chỉ chiếm 12,06%, thì đến năm 2015 đã là 21% và giá trị sản xuất bình quân của cả giai đoạn đạt tốc độ tăng trưởng là 24,45%.
Sau những nỗ lực trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng, khai thác các lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, kinh tế của huyện đã phát triển khá toàn diện. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất các ngành ước đạt 9.862 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần năm 2010.
“Những kết quả này là tiền đề quan trọng để huyện Hoành Bồ thực hiện thành công Quy hoạch tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội của huyện”, bà Nguyễn Thị Hạnh, Bí thư Huyện ủy Hoành Bồ khẳng định. Thực hiện tốt quy hoạch này, Hoành Bồ sẽ thực sự là bộ phận cấu thành của vùng đô thị trung tâm (gồm các TP. Hạ Long, Cẩm Phả và huyện Hoành Bồ) và thị trấn Trới sẽ trở thành đô thị vệ tinh của TP. Hạ Long. Cùng với đó, các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn lĩnh vực như điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí tiêu dùng, công nghệ sinh học, vật liệu mới… sẽ được thu hút vào Khu công nghiệp Hoành Bồ. Huyện cũng sẽ đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực dịch vụ, du lịch chất lượng cao nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ của các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí.
Bên cạnh những nguồn lực mang tính lợi thế, thì con người cũng được đánh giá là một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của huyện. Với 36,5% dân số là người dân tộc thiểu số (bao gồm dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu, Hoa,..), với những nét đặc sắc riêng, nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép thành lập Khu bảo tồn Văn hóa dân tộc Dao Thanh Y tại xã Bằng Cả của huyện. “Đây cũng là yếu tố tạo nên lợi thế khác biệt cho việc phát triển ngành du lịch của Hoành Bồ”, bà Nguyễn Thị Hạnh khẳng định.
Thu hút đầu tư, động lực để phát triển
Theo Quy hoạch tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội của huyện, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ phát triển kinh tế của huyện sẽ đạt 14 - 15%/năm. “Huyện đã đề ra 2 nhiệm vụ cụ thể nhằm tập trung tối đa nguồn lực để thực hiện mục tiêu trên”, ông Triệu Đức Hương, Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ cho biết.
Trước tiên, huyện sẽ đẩy nhanh xây dựng và phát triển KCN Hoành Bồ với các ngành công nghệ sạch, công nghiệp phụ trợ với các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn. Tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, cơ khí, kỹ thuật điện, dệt - may, sản xuất hàng tiêu dùng... Bởi theo quy hoạch xây dựng vùng của tỉnh Quảng Ninh, Hoành Bồ sẽ phát triển công nghiệp, các công trình đầu mối cấp vùng để hỗ trợ hoạt động kinh tế và công nghiệp của hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả. Theo đó, huyện sẽ thay thế vai trò của hai thành phố này trong việc đón đầu thu hút các dự án mới đầu tư phát triển công nghiệp và tiếp nhận những cơ sở sản xuất công nghiệp sẽ được di dời từ Hạ Long và Cẩm Phả. Vì vậy, Hoành Bồ cần phải sớm hoàn thành xây dựng KCN để thực hiện chiến lược trên.
Huyện Hoành Bồ cũng phải thực hiện một cách thực chất và có hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Nhiệm vụ thứ hai, huyện phải tập trung xây dựng thị trấn Trới trở thành đô thị vệ tinh văn minh, hiện đại, trực tiếp liên thông với TP. Hạ Long thu hút các hoạt động du lịch, hình thành trung tâm văn hoá ẩm thực ở Hoành Bồ. Đồng thời, hỗ trợ Hạ Long giải tỏa những áp lực về hạ tầng đô thị, về mật độ dân số. Song song với 2 nhiệm vụ đột phá, Hoành Bồ cũng cần tập trung vào điểm nhấn quan trọng là phát triển mạnh khu vực nông nghiệp, nông thôn với trọng tâm là ngành nông nghiệp công nghệ cao.
“Để thực hiện thành công 2 nhiệm vụ đột phá và 1 điểm nhấn quan trọng này, yếu tố đóng vai trò then chốt chính là việc huy động được nguồn vốn đầu tư”, ông Triệu Đức Hương nhấn mạnh. Theo tính toán của huyện, tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2015 - 2020 là 32.160 tỷ đồng và giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 92.650 tỷ đồng. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, việc huy động được nguồn vốn lớn như vậy sẽ không hề đơn giản, bởi trong cả giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn huyện chỉ đạt 10.288 tỷ đồng.
Lời giải cho bài toán thu hút nguồn vốn
Theo chia sẻ của ông Triệu Đức Hương, việc thu hút các nguồn lực đầu tư vào huyện giai đoạn trước đây (2011-2015) vẫn còn bị hạn chế nhiều do 4 lý do.
Một là, kết cấu hạ tầng trên địa bàn chưa hoàn thiện.
Hai là, quỹ đất nông nghiệp dành cho đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn chưa được chuẩn bị sẵn do việc giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn.
Ba là, một số quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khu ẩm thực thị trấn Trới,.. chưa được hoàn thành đã ảnh hưởng nhiều đến xúc tiến đầu tư.
Bốn là, công tác xúc tiến đầu tư của huyện cũng chưa thực sự chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, chính là nhờ xác định rõ được những hạn chế trong thu hút đầu tư, nên huyện Hoành Bồ đã đề ra được những giải pháp cụ thể để giải quyết bài toán khó này. Đó là, trên cơ sở quy hoạch phát triển tổng thể huyện, cần phải đẩy nhanh và sớm hoàn thiện các quy hoạch chi tiết phát triển ngành và khu vực trên địa bàn huyện, trước hết là quy hoạch chung xây dựng vùng huyện. Điều chỉnh, chuyển KCN Hoành Bồ lên phía Bắc đường tránh TP. Hạ Long (Đường 328); quy hoạch đô thị - thị trấn Trới và kết cấu hạ tầng (hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, quy hoạch 2 bên đường tránh TP. Hạ Long… Cùng với đó là quy hoạch phát triển nông nghiệp, các điểm tour, tuyến du lịch. Những quy hoạch này là cơ sở quan trọng để các hoạt động xúc tiến đầu tư, xây dựng các công trình hoàn thiện kết cấu hạ tầng như: đường giao thông, cấp điện, cấp nước được thực hiện chính xác và có hiệu quả.
Tiếp đó là đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là ở khu vực nông thôn (nơi đang chiếm tỷ trọng lao động lớn của huyện) và chuẩn bị cơ sở hạ tầng (nhà ở và các tiện ích) để thu hút lao động từ bên ngoài đến làm việc tại huyện. Huyện cũng phải chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các nguồn đầu tư khác. Huyện cũng phải thực hiện một cách thực chất và có hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Những biện pháp này đã và đang được huyện áp dụng, bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực. Riêng năm 2016, tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt khoảng 9.620 tỷ đồng, bằng 218,6% so với cùng kỳ năm 2015. Còn ngay tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Hoành Bồ ngày hôm nay (6/1), huyện sẽ trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt quy hoạch, quyết định chấp thuận địa điểm nghiên cứu quy hoạch cho 15 dự án và 14 dự án khác sẽ được chủ đầu tư ký cam kết về tiến độ thực hiện với huyện. Cùng với những kết quả rất đáng ghi nhận trên, sẽ có 6 nhà đầu tư ký bản ghi nhớ đầu tư vào huyện.