Không để hành trình đầu tư phải qua quá nhiều cửa ải

Doanh nghiệp FDI cũng khóc
 
Là doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - vốn được cho là có kinh nghiệm và bài bản trong thực thi pháp luật, nhưng Công ty TNHH Braun Việt Nam cũng chóng mặt khi bắt tay thực thi các quy định liên quan đến đầu tư - kinh doanh.
 
Thậm chí, bà Vũ Thị Minh Nguyệt, cán bộ Công ty TNHH Braun Việt Nam than phiền rằng, chỉ riêng tuân thủ quy định về báo cáo, Braun mỗi năm phải nộp tới 72 báo cáo.
 
“Để hoàn tất cho đủ các yêu cầu báo cáo, Công ty phải có biên chế riêng để làm việc đó. Theo lý thuyết, các cơ quan cũng phải có người chuyên trách để tiếp nhận các báo cáo này. Một DN phải có từng đó báo cáo, thì với hàng chục ngàn, trăm ngàn DN sẽ xử lý ra sao? Tại sao các cơ quan không liên thông với nhau trong xử lý thông tin từ các báo cáo của DN?”, bà Nguyệt nêu vấn đề.
 
Câu hỏi của bà Nguyệt không phải là mới, nhưng điều đáng ngại là, vấn đề đã đề cập  nhiều, nhưng dường như chưa được các cơ quan liên quan thực sự để tâm. Thậm chí, trong vấn đề thực thi các quy định, tình hình còn có vẻ rối rắm hơn.
 
Đại diện Công ty Piaggio Việt Nam mới đây cũng đã gửi kiến nghị tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc không có hướng dẫn rõ ràng trong việc xác định thời điểm bắt đầu có dự án mở rộng, nên các DN nói chung và Piaggio Việt Nam nói riêng gặp lúng túng trong việc xác định ưu đãi thuế thu nhập DN khi xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất.
 
Cụ thể, Luật Đầu tư quy định: “Dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đang hoạt động đầu tư - kinh doanh bằng cách mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm hoặc cải thiện môi trường”. Nhưng chiếu theo 3 tiêu chí của dự án mở rộng được hưởng ưu đãi tại khoản 4, Điều 14, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập DN, thì không rõ thời điểm nào được cân nhắc là bắt đầu có dự án mở rộng.
 
Công ty Piaggio Việt Nam đã nêu ra thêm hàng loạt câu hỏi, như dự án mở rộng có phụ thuộc vào việc tổng vốn đầu tư thực hiện cần phải vượt tổng vốn đầu tư đã đăng ký không? Nếu có thì việc xác định tổng vốn đầu tư thực hiện của DN tại thời điểm bất kỳ dựa theo tiêu chí nào. Theo Piaggio, nếu không rõ, cơ sở để xác định mức thuế được ưu đãi với DN là không thể.
 
Nhiều DN đã gọi đây là sự cát cứ quyền lực của các bộ chuyên ngành khi họ cũng chính là người chủ trì xây dựng các văn bản luật. Hệ lụy thấy rõ gần nhất là hành trình rà soát, sửa đổi các quy định về điều kiện kinh doanh chỉ có thể đi đúng nguyên tắc gỡ bỏ rào cản cho DN khi Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp tham gia và chỉ đạo công việc này.
 
Cơ quan quản lý sốt ruột
 
Cách đây hơn 1 tháng, khi dành cả buổi sáng ngồi nghe các DN trình bày những vướng mắc trong hoạt động đầu tư - kinh doanh, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải thốt lên: “DN, nhà đầu tư đang tạo ra việc làm, vậy mà sao hành trình đầu tư - kinh doanh lại lắm cửa ải thế!”.
 
“Chúng tôi sẽ phải rà soát toàn bộ các quy định liên quan đến đầu tư - kinh doanh, trong đó có cả Luật Đầu tư, Luật DN. Chính phủ cũng đã nhấn mạnh rõ nguyên tắc không có “quyền anh, quyền tôi” trong xây dựng chính sách, pháp luật. Chúng tôi sẽ tuân thủ để đảm bảo lợi ích của DN, nhà đầu tư trên nền lợi ích tổng thể của quốc gia”, ông Đông cam kết.
 
Nhưng với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, cái khó của cơ quan soạn thảo là cân đối lợi ích của các bên, khi mà các quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh đang có mặt ở khoảng 50 luật, với 150 điều cần phải rà soát. Đây là các con số mà VCCI đã chủ động rà soát và kiến nghị tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, có thể đây chưa phải là con số cuối cùng.
 
Hơn thế, nhiều quy định trong các luật như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học công nghệ, Luật Viễn thông, Luật Khoáng sản, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Giá, Luật Phí, lệ phí… có nhiều quy định bất hợp lý, cản trở hoạt động kinh doanh chính đáng của DN.
 
“Chúng tôi đề nghị phải đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư - kinh doanh. Trong đó, Luật Đầu tư, Luật DN và Bộ luật Dân sự phải được coi là các luật quy định các nguyên tắc chung, trong khi các luật chuyên ngành có quy định liên quan đến đầu tư, thành lập và hoạt động của DN, giao dịch dân sự không được quy định mâu thuẫn hoặc trái với các nguyên tắc chung đó. Có như vậy, hành trình đầu tư - kinh doanh của DN mới bớt rủi ro”, ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị.
 
Đặc biệt, ông Lộc đang kỳ vọng vào quy định rõ ràng hơn không chỉ về nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mà cả về cơ chế giám sát, chế tài xử lý các hành vi vi phạm.
 
“Việc lập danh mục này cần được kiểm soát chặt chẽ để hạn chế cơ quan quản lý nhà nước lạm quyền xác nhận, cấp phép quá nhiều. Đây cũng là cơ sở để chấm dứt tình trạng phát sinh giấy phép con, tăng cường hậu kiểm cho các cơ quan quản lý nhà nước, cho phép DN thực hiện quyền tự cam kết và chịu trách nhiệm trong việc đáp ứng điều kiện kinh doanh…”, ông Lộc đề xuất.