Không thể đánh giá môi trường kiểu “chuyện đã rồi”

Tại phiên thảo luận hôm 08/6/2009 về dự án luật sửa đổi một số điều  liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, hầu hết đại biểu Quốc hội đều “bác” đề xuất của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về sửa luật bảo vệ môi trường.

Dự thảo luật hiện hành quy định báo cáo đánh giá tác động mội trường (ĐTM) phải lập đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, còn sửa đổi thì có thể “tùy” quy mô, tính chất để lập đồng thời nhưng có thể lập trước khi khởi công.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải: "Bề ngoài có vẻ giúp doanh nghiệp nhưng thực ra nguy cơ rủi ro lớn hơn". Ảnh: TTXVN

Lợi ít, rủi ro nhiều

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết lo lắng, luật hiện hành đã yêu cầu phải có đánh giá về tác động môi trường từ sớm mà vẫn còn xảy ra những vi phạm. Thậm chí có nơi còn cho bỏ qua.

Điều khiến hầu hết đại biểu lo lắng là “thả” ra như vậy sẽ tạo thói quen làm trước báo cáo sau, xem như việc đã rồi. Gọi là “tùy” quy mô nhưng ai cũng hiểu nguy cơ gì sẽ xảy ra.

Vì doanh nghiệp sẽ dùng mọi cách tác động để qua bằng được “cửa ải” đánh giá tác động môi trường. Chưa kể, như đại biểu Lý Kim Khánh (Cà Mau) lo âu, nới quá rộng thì không quản lý được. Đại biểu Lê Văn Hưng (Hưng Yên) phân tích, nói như ban soạn thảo là "quá phiến diện", chỉ dựa một chiều từ các bức xúc của DN.

Có không ít nhà đầu tư tìm mọi cách để có được dự án nhưng cũng tìm mọi cách để phớt lờ, bớt xén những hạng mục, chi phí liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Ta đang bàn việc sửa Bộ luật Hình sự để xử lý tình trạng này, vậy mà giờ lại nới”, ông Hưng nói.

Như phân tích của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH Nghiêm Vũ Khải, bề ngoài có vẻ như “cởi mở”, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng thực chất, nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn còn lớn hơn.

Ông Khải nói: "ĐTM là để lường trước rủi ro cho nhà đầu tư. Nhưng nếu giấy phép đầu tư đã được cấp, mà ĐTM không đạt yêu cầu, liệu ai sẽ bù đắp phí tổn?"

Đại biểu Nguyễn Vinh Hà (Kon Tum) cũng cho rằng sửa như vậy không ổn, bởi lúc đó, tất cả các dự án đã được cấp đăng ký đầu tư hoặc là giấy phép đầu tư, tức là địa điểm xây dựng và khai thác đã được quyết định. Chủ đầu tư chỉ còn làm thủ tục để khởi công.

Báo cáo đánh giác tác động môi trường là công cụ mang tính dự báo và phòng ngừa, giúp cơ quan quản lý có đủ thông tin để lựa chọn được dự án, địa điểm phù hợp.

Không thu hút đầu tư bằng mọi giá

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Lê Quốc Dung lưu ý, ta đang chuyển sang giai đoạn không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Nhiều dự án hiện nay nếu cộng tiền thu thuế lại chưa chắc đã khôi phục được tình hình môi trường.

Ông đề xuất nên quy định rút gọn trình tự, thủ tục lập ĐTM thay vì sửa luật. Đó mới là cách hữu hiệu để giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải “hiến kế”, nên chăng lấy một phần tiền kích cầu để hỗ trợ doanh lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. “Một mũi tên bắn trúng rất nhiều mục đích, vừa giúp doanh nghiệp, vừa kích cầu trong bảo vệ môi trường”.

Thực tế, ở Việt Nam, trong 1 triệu người chỉ 7 người làm chuyên trách về môi trường. Nhưng tỷ lệ này ở Trung Quốc ít nhất là 20 người, ở Singapore là 300 người.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên chốt: “Do đa số ý kiến phản đối nên ban soạn thảo cần nghiên cứu để giải trình với Quốc hội”.