Kinh doanh hàng "ảo" ngoài vòng kiểm soát

Tuy nhiên theo đánh giá của cơ quan quản lý thị trường Hà Nội, hình thức kinh doanh này đang ngoài vòng kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Tiện ích của thời @

Đây là hình thức kinh doanh mới, xuất hiện cùng với sự phát triển của internet, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng, không mất thời gian và công sức lựa chọn hàng hóa.

Chỉ cần ngồi một chỗ, khách hàng có thể "nhấp chuột" để xem hàng và gọi điện cho các nhà cung cấp mang sản phẩm tới, từ thực phẩm, hàng tiêu dùng đến thời trang, mỹ phẩm, điện thoại, laptop...

Theo một nhà cung cấp hàng qua mạng enbac.com, cửa hàng kinh doanh thời trang trẻ em và bà bầu tại số 56 Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, số lượng người mua sản phẩm của cửa hàng qua mạng khá đông (mặc dù có thời điểm cửa hàng mang hàng đến tận địa chỉ người mua và có thời điểm không đưa được, yêu cầu khách hàng đến nơi mua).

Ngoài các đơn vị, cửa hàng kinh doanh thông thường, các nhà kinh doanh hàng qua mạng phần nhiều là các cá nhân, hộ gia đình tập kết hàng hóa chính tại nơi ở và khi có khách yêu cầu là mang hàng tới.

Do trao đổi mua - bán qua mạng, ngoài những tiện ích tiết kiệm thời gian, các khách hàng còn chịu nhiều bất cập như không tận mắt xem được sản phẩm qua trực giác, lựa chọn nhiều nhưng mua được ít thậm chí còn bị mắc lừa.

Chị Nhật Mai, phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, một khách hàng quen thuộc của hình thức kinh doanh dịch vụ thương mại trực tuyến thừa nhận "mua bán qua mạng có hai mặt, biết mua sẽ được rẻ và không tốn công sức nhưng không biết mua dễ bị mắc lừa!".

Chị lý giải rằng, mua bán qua mạng không có gì ràng buộc mà chỉ có niềm tin do vậy người mua cần phải tìm những nơi uy tín.

Nếu tại Hà Nội, khách hàng có thể yêu cầu nhà cung cấp mang hàng tới còn ở các tỉnh thành khác phải chuyển tiền vào tài khoản của nhà cung cấp rồi họ mới chuyển hàng ra cho mình và khi đó không có gì là đảm bảo cho người mua. Thậm chí chất liệu sản phẩm, giá cả rao bán trên mạng không đúng với thực tế.

Kinh doanh trực tuyến...

Hiện nay, hình thức kinh doanh này chưa có chế tài xử lý nếu vi phạm, trong khi đó, kinh doanh hàng "ảo" đang tồn tại nhiều bất cập.

Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội phó Đội quản lý thị trường số 14 thừa nhận, nhiều đơn vị kinh doanh hàng qua mạng chấp hành nghiêm chỉnh quy định nhưng không ít địa chỉ cung cấp hàng không rõ nguồn gốc, hàng lậu, hàng giả.

Ngày 21/5 vừa qua, Đội quản lý thị trường số 14 kiểm tra địa chỉ số 2 ngõ 162 Thái Hà, Hà Nội - địa điểm kinh doanh hàng qua mạng, thu giữ 41 điện thoại các loại gồm Nokia, Vertu, Mobiado, Gucci, Gresso, Aaghever, Louis Vuijjon có xuất xứ từ Nga, Phần Lan, UK, Thụy Sỹ, Cananda. Toàn bộ số điện thoại này không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.

Theo đại diện đại lý Nokia và Vertu, 21 điện thoại Nokia và Vertu thu giữ tại đây là điện thoại giả!

Trước đó, Đội quản lý thị trường số 6 cũng phát hiện hành vi trốn thuế thông qua kinh doanh dịch vụ thương mại trực tuyến của Công ty cổ phần Tầm nhìn Đại Việt tại số 2A, đường Phạm Tấn Tài, xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội, do Hán Hữu Hải làm giám đốc.

Qua xác minh, lực lượng chức năng phát hiện công ty có nhiều vi phạm về chấp hành thuế như không mở sổ sách kế toán theo quy định, lập chứng từ kế toán không đầy đủ nội dung theo quy định. Toàn bộ doanh thu trên 2,7 tỷ đồng không kê khai vào tờ khai thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp.

Nhìn chung, việc kiểm soát hàng hóa và thực hiện thu thuế đối với địa chỉ kinh doanh hàng qua mạng hầu như chưa quản lý được. Nhiều trang web không ghi rõ địa chỉ của nhà cung cấp còn địa điểm tập kết hàng là nhà dân nên các cơ quan quản lý khó khăn trong việc xác minh.

Ông Nguyễn Thế Cường, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 6 cho biết "khi công nghệ thông tin phát triển, các hình thức kinh doanh ngày càng tinh vi khiến chúng tôi rất khó xác định được địa chỉ cụ thể.

Việc mua bán, địa điểm trao đổi hàng hóa lại do hai bên tự thỏa thuận với nhau. Ngay cả kiểm soát hàng hóa qua hình thức kinh doanh truyền thống tại chợ, siêu thị đã khó thì kiểm soát kinh doanh qua mạng còn khó hơn rất nhiều".

Đại diện ngành thuế cũng thừa nhận, việc thu thuế đối với hình thức kinh doanh hàng trực tuyến hầu như chưa thực hiện được.

Trước thực trạng này, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đang đề xuất tiến hành kiểm tra toàn diện đối với hình thức kinh doanh hàng trực tuyến nhằm lành mạnh hóa thị trường, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và tránh thất thoát thuế cho Nhà nước.