Lại thêm DN nước ngoài đón đầu TPP tại VN
Trong một cuộc gặp gỡ báo chí hôm 6-5 tại TPHCM, ông Paul G. Hulme, Chủ tịch toàn cầu của Huntsman Textile Effects có trụ sở tại Singapore, cho biết trong tháng này công ty khánh thành một kho ngoại quan tại khu công nghiệp Long Bình (Đồng Nai) nhằm cung cấp hoá chất trong ngành dệt nhuộm đến khách hàng tại Việt Nam một cách nhanh chóng hơn. Kho ngoại quan này hoạt động một phần công suất vào giữa tháng 5-2015, và hoạt động hết công suất vào đầu tháng 6-2015 (250.000 tấn) và có thể tiếp tục mở rộng tuỳ nhu cầu thị trường Việt Nam.
“Xuất khẩu dệt may và quần áo của Việt Nam đóng góp 20% GDP, và được kỳ vọng đạt 40 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020. Chúng tôi thấy cơ hội tại Việt Nam trong ngành nhuộm... Hiện nhu cầu về hoá chất nhuộm có chất lượng cao đang ngày càng tăng lên và chúng tôi thấy cơ hội cho sản phẩm của chúng tôi,” vị chủ tịch này cho biết.
Theo ông Chuck Hirsch, Phó chủ tịch toàn cầu của Huntsman Textile Effects, công ty này nhận thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam khi gần đây nhiều công ty từ Đài Loan, Hàn quốc vào đây để đầu tư về dệt nhuộm nhằm đón đầu ưu đãi trong TPP với quy tắc xuất xứ tính từ sợi trở đi (yarn-forward) đối với hàng dệt may.
Trao đổi với TBKTSG Online, hai vị đại diện của công ty này cho biết một số khách hàng tại Trung Quốc cũng đang muốn chuyển sang đầu tư vào Việt Nam, và đây là cơ hội cho Huntsman Textile Effects.
Hiện Huntsman Textile Effects có hoạt động tại hơn 90 nước, với doanh thu bán hàng toàn cầu đạt 1 tỉ đô la Mỹ, với các thị trường chính như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Châu Âu. Trong khi đó, thị trường Việt Nam chỉ đóng góp 1% doanh thu cho công ty này.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), trong năm ngoái, Việt Nam cần 8,2 tỉ mét vải (năm 2013 là 7,4 tỉ mét vải), chủ yếu để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, trong đó, sản xuất trong nước cung cấp được 1,7 tỉ mét vải (năm 2013 là 1,4 tỉ mét vải) và nhập khẩu 6,5 tỉ mét vải. Hiện nay, lượng cung vải từ trong nước có tăng lên, nhưng chủ yếu do các công ty hiện hữu tăng công suất, trong khi nhiều dự án đầu tư đăng ký mới về dệt nhuộm vẫn đang trong quá trình triển khai.