Lại thêm thuế “biệt thự bỏ hoang”?
Ngày 31.5, một lãnh đạo cấp cao của Bộ Tài chính, cho biết hiện nay các vụ chức năng đã hoàn thiện xong bản đề xuất, trong đó đưa ra 3 phương án tính thuế đối với “biệt thự bỏ hoang”
Phương án 1, Bộ Tài chính sẽ dự thảo nghị định, trình Chính phủ xin ý kiến Thường vụ Quốc hội ban hành. Trong đó, quy định nếu sau khi xác định biệt thự nào bỏ hoang, không sử dụng thì thu theo một tỷ lệ nhất định. Ví dụ, sau 3 tháng thu 5% trên tổng giá trị biệt thự, sau 6 tháng thu 10%...
Phương án 2, ngày 1.1.2012, khi Luật Sử dụng đất phi nông nghiệp bắt đầu có hiệu lực, thì có thể căn cứ vào quy định đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15% tổng giá trị (diện tích đất tính thuế x giá trị 1m2 đất).
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đưa ra phương án khác, căn cứ vào quy định xử lý vi phạm Luật Đất đai, người nào lấn chiếm đất đai, không sử dụng đất hoặc sử dụng không đúng mục đích sẽ bị xử phạt hành chính. Ví dụ, nếu không đưa vào sử dụng trong 6 tháng thì bị phạt 20 - 30 triệu đồng, 6 tháng sau không dùng thì phạt tiếp đến khi hoàn thiện đưa vào sử dụng, cho thuê, cho mượn thì thôi.
Bỏ hoang là đánh thuế!
GS Đặng Hùng Võ nói rằng ông hoàn toàn đồng tình với chủ trương đánh thuế đối với biệt thự bỏ hoang và xem đây là liều thuốc trị tận gốc tình trạng biệt thự bỏ hoang tại các đô thị. Theo ông Võ, những người bỏ tiền tỉ mua biệt thự đều nằm trong nhóm “đại gia”, nếu không đánh thuế nặng, họ vẫn để hoang biệt thự nhưng khi đánh thuế thật cao, dù giàu có đến mấy họ vẫn chịu cảnh “của đau con xót” nên phải chấp nhận hoàn thiện và đưa vào sử dụng với các mục đích khác nhau.
Đặt câu hỏi “biệt thự bỏ hoang có nhiều nguyên nhân, có thể đánh đồng để đánh thuế toàn bộ không và như vậy có công bằng không?”, ông Võ đáp: “Đã đánh thuế biệt thự bỏ hoang thì bất luận là bỏ hoang vì nguyên nhân gì đều đánh như nhau. Nếu không, người ta sẽ tìm cách “lách” bằng các thủ thuật. Tốt nhất, nếu chọn đánh thuế là biện pháp trị tận gốc căn bệnh biệt thự bỏ hoang thì tất cả biệt thự bỏ hoang đều bị điều chỉnh bởi quy định này”.
Tuy nhiên, GS Võ cho rằng phương án đánh thuế theo thời gian với các mức đề xuất bước đầu của Bộ Tài chính là chưa ổn.
Chưa có cơ sở pháp lý để đánh thuế?
Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN - ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng nên áp dụng biện pháp xử phạt và phải phân loại biệt thự bỏ hoang vì nguyên nhân gì rồi mới xử phạt thì mới chính xác và công bằng. Theo ông Liêm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến biệt thự bỏ hoang và tùy từng nguyên nhân mà có hình thức xử lý phù hợp. Thứ nhất, đổ tiền vào thời kỳ thị trường suy thoái, nhà đầu tư phải tạm dừng vì nếu hoàn thiện sẽ tốn thêm vốn mà không “lướt sóng” được. Đây được xem là một rủi ro trong kinh doanh, và nhà đầu tư đang khó khăn, giờ “nã” thêm thuế bỏ hoang ắt sẽ làm cho nhà đầu tư khốn đốn. Thứ hai, người mua biệt thự có mục đích để ở thật sự nhưng gặp khó khăn về tài chính nên dừng lại ở mức xây thô, đợi tình hình kinh tế khá hơn mới làm tiếp. Thứ ba là, đổ tiền vào biệt thự, tạo khan hiếm giả, đẩy giá lên cao để nhắm tới siêu lợi nhuận thì đáng bị lên án nên xử phạt thật nặng.
Ông Liêm cũng băn khoăn về cơ sở của việc đánh thuế biệt thự bỏ hoang. “Hiện nay tôi chưa nghĩ ra cơ sở pháp lý gì để đánh thuế nhà bỏ hoang. Tôi giả thiết nếu bắt người ta nộp thuế cho biệt thự bỏ hoang mà người ta không nộp thì sao, cơ quan chức năng sẽ làm gì tiếp theo, tịch thu chăng, làm thế không được vì sẽ xâm phạm quyền sở hữu cá nhân. Đừng vì một lúc “tức giận” mà đưa ra chính sách không đúng lắm”, ông Liêm nói. Theo ông Liêm, việc xử phạt biệt thự bỏ hoang là hoàn toàn có cơ sở để thực hiện và không xâm phạm quyền sở hữu của người dân.
Cần làm rõ khái niệm “biệt thự bỏ hoang” Khái niệm biệt thự như thế nào được gọi là bỏ hoang, hiện còn nhiều tranh cãi. Theo một lãnh đạo Bộ Tài chính, mỗi người hiểu một cách, nhưng khi áp dụng sẽ phải đưa ra định nghĩa cụ thể. Tức là, biệt thự nào mua, xây dựng xong nhưng chưa đưa vào sử dụng trong thực tế là biệt thự bỏ hoang. “Tuy nhiên, muốn quy định về khái niệm biệt thự bỏ hoang thì ít ra cũng phải có văn bản cấp nghị định và có định nghĩa rõ ràng. Chúng tôi đang thảo luận kỹ và xin ý kiến các bộ, ngành về vấn đề này”, vị này cho biết. |