Lương “yếu” - khó có nguồn nhân lực “khỏe”
Dự kiến các KCN - KCX Hà Nội năm nay sẽ cần khoảng một vạn lao động, tuy nhiên nguồn tuyển đang bị thu hẹp do lao động có xu hướng trở về các KCN gần nhà. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các doanh nghiệp khó tìm được chỗ ở cho công nhân và với mức lương chỉ khoảng 1,5 triệu/tháng với điều kiện phải thuê nhà, sinh hoạt ở Hà Nội thì rất khó giữ chân người lao động.
Khác với những năm trước đây, sau mỗi dịp nghỉ Tết, nhiều công nhân đua nhau bỏ việc sang chỗ lương cao khiến các doanh nghiệp nháo nhác. Năm nay, số công nhân đi tìm việc tại các khu vực tuyển dụng của chính chỗ họ đang làm tìm một công việc khác có thu nhập tốt hơn chứ tìm được nơi làm mới lương cao là rất khó. Anh Phạm Văn Ngữ, 20 tuổi, quê Bắc Giang hiện đang làm đầu bếp cho một công ty TNHH cho biết, hiện anh làm ở công ty được 8 tháng và tranh thủ nghỉ ca đi tìm công việc mới.
Theo anh Ngữ, anh muốn tìm việc khác vì công việc hiện tại tương đối vất vả, nhiều sức ép mà thu nhập cũng không cao. Ca đêm thường kéo dài 12 tiếng và ca ngày là 9-10 tiếng, nấu khoảng 2.500 suất ăn. Công ty của anh Ngữ có khoảng 100 nhân viên nhưng một số cũng đang muốn tìm công việc mới tại KCN, nhiều vị trí làm việc mức thu nhập có thể lên tới hơn 3 triệu đồng/tháng.
Cũng theo nhiều công nhân, năm nay số người bỏ việc, “nhảy“ việc không cao vì hầu hết các công ty đều có mức thu nhập tương đối ngang nhau. Do vậy, tâm lý chung của họ là “làm tạm” chứ không xác định gắn bó. Lang thang tại KCN Bắc Thăng Long, anh Nguyễn Nam Phong, 20 tuổi, quê ở Văn Chấn, Yên Bái cho biết, đã 2 ngày tìm việc ở KCN anh vẫn chưa tìm được một chỗ làm ưng ý. Anh Phong cho rằng, “lương ở đây thấp! Ở Yên Bái em cũng kiếm được mức ấy. Ở quê còn gia đình hỗ trợ, không phải ăn uống kham khổ và ở chật chội như ở đây”.
Tình trạng lao động tại KCN trên địa bàn Hà Nội như: Thăng Long, Quang Minh, Nội Bài, cụm CN Từ Liêm… cũng trong tình trạng tương tự. Sau Tết rất ít lao động bỏ việc. Tuy nhiên, mức thu nhập trung bình của các công ty, tính cả các khoản phụ cấp tăng ca, đi lại, độc hại… thu nhập của lao động cũng chỉ dao động từ 2 triệu đến 2,2 triệu đồng/tháng.
Cũng theo anh Ngữ, nếu không tìm được công việc có mức lương cao hơn thì sẽ khó lòng ở lại làm lâu, với 2 triệu đồng/tháng, trừ các chi phí sinh hoạt, anh chỉ để dành được mấy trăm nghìn. “Không biết bao giờ em mới khá lên được, cuộc sống còn nhiều việc phải lo... nếu một thời gian nữa mà không tìm được công việc mới, em tính về quê. - anh Ngữ nói.
Việc tiền lương, tiền công đối với lao động mặc dù đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ lâu, bên cạnh trách nhiệm của doanh nghiệp chăm lo đời sống lao động thì dường như vai trò ngành LĐ-TB&XH cũng đang bỏ ngỏ...