Nhà đầu tư “ngoại” chờ cơ hội cổ phần hóa DNNN
Một trong những yếu tố cốt lõi để tạo nên tính hấp dẫn này là việc tái cấu trúc và cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Ông Tomoyuki Kimura, Trưởng đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, năm 2012, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt mức 6,5%, song Việt Nam sẽ đối diện với sự cạnh tranh của các quốc gia khác trong thu hút đầu tư nước ngoài, nếu không kiềm chế được lạm phát và sự mất giá của tiền đồng.
Ngoài ra, một vấn đề khác không kém phần quan trọng cũng được đại diện ADB đặc biệt nhấn mạnh là nâng cao tính cạnh tranh và kỷ luật thị trường. Trong đó, khối DNNN phải được tái cấu trúc về mặt tài chính, cũng như chất lượng nguồn nhân lực, để tạo thế cạnh tranh công bằng với khu vực tư nhân. "Việc cổ phần hóa DNNN chính là cơ hội cho các nhà đầu tư", ông Tomoyuki Kimura nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Louis Taylor, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Dương của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, việc cổ phần hóa DNNN đã diễn ra suốt 20 năm qua. “Trên thực tế, trong tổng số 750 công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, 90% nhà đầu tư nước ngoài đã dốc vốn vào những tên tuổi lớn”, ông Louis Taylor nói và cho biết, khối ngoại đang theo dõi “động tĩnh” từ Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, Petrolimex, VinaPhone hay MobiFone. Mối quan tâm này được nhìn nhận khi Vietcombank thông báo cổ phần hóa và Tập đoàn tài chính Mizuho (Nhật Bản) nhanh chóng tham gia với tỷ lệ cổ phần sở hữu 15%. Tuy nhiên, sau Vietcombank, nhà đầu tư vẫn đang chờ tín hiệu tốt từ những DNNN khác.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bất kỳ DNNN nào thực hiện cổ phần hóa đều được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, bởi điều quan trọng với họ là tính nhất quán của chính sách vĩ mô và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các DNNN (thuộc những nhóm ngành có điều kiện: năng lượng, viễn thông, ngân hàng…). Ông Kevin Snowball, Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư PXP Assett Management cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài khá cân nhắc trong việc tham gia vốn vào các công ty, vì khái niệm nhà đầu tư chiến lược ở Việt Nam chưa thực sự rõ ràng và nếu tỷ lệ tham gia của họ bị khống chế (49%), thì dù có sỡ hữu 15% hay hơn thế tại một công ty, thì vẫn không có quyền quyết định. Hơn nữa, để thu hút nhà đầu tư mới, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách bảo vệ đồng nội tệ và giảm lạm phát.
Về vấn đề này, trước đó, Ngân hàng Standard Chartered cũng đưa ra dự báo, lạm phát trung bình năm 2012 sẽ ở mức 11,3% và tỷ giá USD/VND có thể đạt trên 22.000 đồng. Chính điều này có thể dẫn đến thâm hụt mậu dịch và dự trữ ngoại tệ, những yếu tố tác động đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài trong quyết định chọn Việt Nam. Do đó, ông Louis Taylor khuyến cáo, hai mục tiêu quan trọng với Việt Nam trong năm 2012 là ổn định giá và kiềm chế lạm phát.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, từ đầu năm 2011, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, tăng cường hiệu quả vốn đầu tư công để đảm bảo tính hấp dẫn của môi trường đầu tư.
“Về định hướng, Việt Nam chú trọng nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài hơn là chạy theo số lượng, đặc biệt là trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, dự án sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh.