Nhân công giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh
Giáo sư Michael Porter - người được xem là nhà tư tưởng chiến lược bậc thầy trên thế giới - nhấn mạnh "đó là một cái bẫy mà nhiều quốc gia đang phát triển mắc phải" khi đề cập tới các chiến lược mà các doanh nghiệp, quốc gia cần nghĩ tới trong thời khủng hoảng hiện nay.
Theo ông, điều quan trọng hơn là "cần một hệ thống đào tạo nhân lực có hiệu quả". "Những phẩm chất như cần cù, chịu thương chịu khó không còn là điểm mạnh của quốc gia bạn nữa rồi. Chất lượng nhân sự và sản phẩm mới là quan trọng hơn cả. Tính minh bạch sẽ giúp các doanh nghiệp, quốc gia biết mình là ai, đang đứng ở đâu để tìm cách phát triển", ông nói.
Trong cuộc hội thảo với sự tham gia của khoảng 700 đại biểu là những nhà hoạch định chính sách, đại diện các doanh nghiệp, học giả của Việt Nam và quốc tế, ông nhấn mạnh thời dễ thành công ở Việt Nam "đã qua rồi", và hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp, lãnh đạo các tổ chức cần phải có một chiến lược rõ ràng để phát triển.
Người chủ trì bảng xếp hạng "Năng lực cạnh tranh toàn cầu" nói: "Việt Nam mới chỉ tốt ở việc phản ứng tức thời, mang tính ngắn hạn với những thách thức trước mắt, chứ về lâu dài thì chưa có chiến lược rõ ràng, chưa quyết tâm theo kế hoạch đề ra. Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần phải tính đến mục tiêu và lợi nhuận lâu dài".
"Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn hoạt động theo kiểu "ăn xổi ở thì", ông nói. "Điều đó chỉ giúp các bạn phát triển ngắn hạn, về lâu dài, điều này rất nguy hiểm".
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về cơ hội của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể thu hút nhân sự cao cấp bị mất việc làm do khủng hoảng tín dụng tại các quốc gia phát triển đến Việt Nam và làm việc, giáo sư cho rằng đây là điều mà các nhà quản trị "nên tính đến".