Nhật Bản muốn hợp tác phát triển nông nghiệp tại ĐBSCL
Trong chuyến đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại TP. Cần Thơ và một số tỉnh ĐBSCL giữa năm 2014, ông Kohei Watanabe, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Mê Kông - Nhật Bản (Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản) đánh giá cao tiềm năng phát triển nông nghiệp thủy sản của vùng và cho biết, trong chuyến đi lần này có 28 doanh nghiệp trên các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, thương mại, nông, thủy sản; sản xuất máy nông nghiệp, tài chính…
"Qua chuyến thăm và làm việc lần này, phía doanh nghiệp Nhật Bản càng hiểu thêm về vùng đất, con người Vùng ĐBSCL - một vùng đất màu mỡ, là tài nguyên quý giá của thế giới. Nhật Bản có thế mạnh về sản xuất thiết bị máy móc, công nghệ chế biến, bảo quản và có nhiều tập đoàn có tiềm lực mạnh. Doanh nghiệp của Nhật Bản mong muốn được hợp tác cùng với vùng ĐBSCL để cùng phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng”, ông Kohei Watanabe nói .
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban thường trưc Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, ĐBSCL chiếm 12% diện tích cả nước, với gần 18 triệu dân, mỗi năm cả vùng đóng góp 90% gạo xuất khẩu, chiếm 2% thị phần gạo thương mại của thế giới, cung cấp cho thị trường 70% sản lượng trái cây, thủy sản; năm 2013 đạt giá trị sản xuất nông nghiệp hơn 6 tỷ USD, đóng góp 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tại buổi gặp gỡ trên, hai bên đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm chia sẻ thông tin và nguồn nhân lực tốt nhất để thúc đẩy đầu tư và hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội; trong đó, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vùng ĐBSCL và doanh nghiệp Nhật Bản quan hệ, trao đổi, tìm hiểu để tiến tới hợp tác cụ thể.
Đầu tháng 10 vừa qua, đoàn công tác của Thống đốc tỉnh Ibaraki do ông Hashimoto Masaru, Thống đốc tỉnh đẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Đồng Tháp nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác về nông nghiệp giữa hai địa phương. Ông Hashimoto Masaru đánh giá cao tiềm năng nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp và cho biết, sau khi về nước, sẽ tìm các phương thức hợp tác phù hợp, cũng như tạo điều kiện cho các thực tập sinh của Đồng Tháp đến học tập kinh nghiệm sản xuất tại tỉnh Ibaraki…
Trước đó, vào trung tuần tháng 9/2014, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ do ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ dẫn đầu cùng với lãnh đạo TP. Cần Thơ đã có chuyến công tác Nhật Bản nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư với Nhật Bản trong lĩnh vực hợp tác nông nghiệp (kể cả máy móc công nghiệp), nuôi trồng và xuất nhập khẩu thủy hải sản, đào tạo nguồn nhân lực; mời gọi đầu tư, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ và du lịch, một số lĩnh vực cụ thể khác thuộc thế mạnh của vùng ĐBSCL.
Trong thời gian công tác tại Nhật Bản, đoàn đã thăm và làm việc tại TP. Sapporo. Tại đây, đoàn được tập đoàn kinh tế Takao (Nhật Bản) hướng dẫn tham quan, nghiên cứu tìm hiểu việc đầu tư xây dựng sân golf tại Sapporo do Takao đầu tư. Qua khảo sát thực tế việc đầu tư của Tập đoàn tại Nhật Bản, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ mong muốn phía bạn hợp tác, đầu tư một sân golf tại vùng ĐBSCL của Việt Nam và hợp tác đầu tư một số lĩnh vực khác thuộc thế mạnh của Tập đoàn và tiềm năng của Vùng ĐBSCL.
Ngoài ra, đoàn cũng tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu thực tế tại Nhà máy Sản xuất máy nông nghiệp và làm việc với lãnh đạo Công ty Cơ khí nông nghiệp Kubota, Honda… Đoàn đã gặp gỡ, làm việc với đại diện Tổ chức Xúc tiến ngoại giao nhân dân (FEC) Nhật Bản. Phía Nhật đánh giá cao sự nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển đất nước, trong quan hệ hợp tác quốc tế nói chung và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản nói riêng rất thiết thực và hiệu quả.
Tại tỉnh Chiba, lãnh đạo tỉnh này hướng dẫn thăm thực tế một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh như trồng cà chua, khoai lang; thăm khu resort sinh thái nông nghiệp và nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Thông qua những cuộc tiếp xúc và trao đổi thông tin lẫn nhau, các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản, nhất là những tập đoàn hàng đầu về lĩnh vực nghiên cứu sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản đánh giá rất cao cơ hội hợp tác đầu tư tại ĐBSCL và mong muốn sẽ được đến tham quan thực tế tại vùng đất này trong tương lai gần để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, cả vùng ĐBSCL thu hút 850 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn hơn 11 tỷ USD, nhưng dự án trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 6%, vốn đầu tư đăng ký chỉ chiếm 2% cho thấy, thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp của vùng còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng tiềm năng.
“Dư địa thu hút đầu tư vào nông nghiệp tại ĐBSCL còn rất lớn. Hiện nay, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, như miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ vốn không hoàn lại và vốn tín dụng lãi suất thấp… Đây sẽ là tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cả nước nói chung và thu hút đầu tư vào ĐBSCL nói riêng trong thời gian tới”, ông Hoàng nhận định.