Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/1/2014
Với 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp 1992, bản Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội khoá 13 thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/1/2014. Theo đánh giá của giới chuyên gia và dư luận, bản Hiến pháp sửa đổi lần này tiếp tục kế thừa phát triển, những nguyên tắc, nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1992.
Đó là hiến định về nguyên tắc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các thành phần kinh tế, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội….
Tuy nhiên, Hiến pháp sửa đổi cũng thể hiện được một số nội dung mới, trong đó đáng kể nhất là hiến định “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
Một chính sách có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động là từ ngày 1/1/2014, mức lương tối thiểu vùng sẽ từ 1,9 - 2,7 triệu đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2014 tới đây như sau, vùng 1: 2,7 triệu đồng/tháng; vùng 2: 2,4 triệu đồng/tháng; vùng 3: 2,1 triệu đồng/tháng; vùng 4: 1,9 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000 - 350.000 đồng/tháng.
Cũng bắt đầu từ ngày 1/1/2014, thuế suất thuế nhập khẩu rất nhiều loại ôtô từ các nước ASEAN sẽ giảm về mức 50%, thay vì 60% như hiện nay.
Mức thuế suất này được quy định tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2012 - 2014 do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư 161/2011-BTC ngày 17/11/2011.
Cũng theo biểu thuế này, thuế nhập khẩu các mặt hàng tương tự hiện đang áp dụng ở mức 60% và trước đó, năm 2012 áp dụng ở mức 70%. Riêng các loại xe tải và xe chuyên dụng sẽ được hưởng mức thuế suất 0 - 5%.
Đối với lĩnh vực xuất khẩu vàng, theo quy định của Bộ Tài chính tại thông tư 164/2013, từ 1/1/ 2014, thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ và các sản phẩm bằng vàng sẽ giảm về 0%. Riêng vàng nguyên liệu xuất khẩu không phân biệt hàm lượng sẽ chịu thuế 2%.
Tuy nhiên, việc áp thuế đối với vàng nguyên liệu, sẽ chỉ áp dụng khi Ngân hàng Nhà nước cho phép các công ty được xuất, nhập vàng nguyên liệu (hiện tại chưa doanh nghiệp nào được phép), còn khi Ngân hàng Nhà nước nhập vàng sẽ không chịu thuế.
Hiện vàng nguyên liệu hàm lượng dưới 99,99% sẽ chịu thuế suất xuất khẩu là 10%, còn với nữ trang vàng có hàm lượng trên 80% cũng chịu thuế 10%. Mức thuế này được quy định từ năm 2011, sau khi nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vàng dưới dạng nữ trang thô.
Theo Nghị định 154/2013 của Chính phủ hướng dẫn cụ thể về vấn đề quản lý khu công nghệ thông tin tập trung, từ 1/1/2014, các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghệ thông tin tập trung sẽ được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, trường hợp đặc biệt được kéo dài đến 30 năm; được miễn thuế 4 năm đầu và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo.
Doanh nghiệp cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu khi nhập khẩu hàng hóa tạo tài sản cố định, phục vụ sản xuất kinh doanh như máy móc, thiết bị, linh kiện, chi tiết, bộ phận rời …
Về tiêu chí thành lập, các khu công nghệ thông tin tập trung có ít nhất 2.000 lao động làm việc chuyên môn về công nghệ thông tin, chiếm tối thiểu 60% tổng số lao động làm việc trong khu.
Ngoài ra, một số quy định mới như: không thu phí khi đổi tiền hư hỏng, phạt nặng dự án triển khai không xin cấp phép, doanh nghiệp hoạt động không đăng ký, siết chặt hoạt động quảng cáo, một số sửa đổi quy định về xử phạt hành chính…cũng sẽ có hiệu lực, bắt đầu từ tháng 1/2014.