Nhìn lại chặng đường CPI 6 tháng đầu năm

Nhìn lại chặng đường CPI 6 tháng đầu năm

Vậy là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã hoàn thành chặng đường của nửa đầu năm 2009. Một “chặng đường dài” với nhiều hoài nghi, nhiều dự báo trái ngược nhau bởi tình trạng vừa lạm phát lại vừa suy giảm (lạm suy).
 

Thế nhưng, theo TS Vũ Đình Ánh, CPI 6 tháng qua đã khép lại một chặng đường mà có lẽ, cả người “khó tính” nhất cũng không thể vẽ ra một kịch bản đẹp hơn nó.

 
Quý I hoài nghi
 
Kết thúc năm 2008, lạm phát của Việt Nam đang ở mức gần 23% so với năm 2007. Thời điểm đó, sức ép về việc kiềm chế lạm phát dường như đang làm cho đôi vai của những người điều hành chính sách trở nên nặng trĩu.

Đặc biệt, bước sang hai tháng đầu năm 2009, thời điểm được xem là nhạy cảm nhất đối với việc tăng giá vì xu thế tiêu dùng luôn gia tăng về số lượng trong giai đoạn Tết Nguyên đán.

Và không nằm ngoài quy luật, hai tháng đầu năm 2009, CPI đã “xông đất” bằng những con số dương mặc cho những biện pháp kiềm chế tăng giá của các nhà điều hành được thực hiện rất đồng bộ.

Bỏ lại tháng 1/2009 với con số mở màn 0,32%, CPI của tháng 2 đã làm nhiều người thật sự ái ngại vì mức tăng 1,15% vào cuối tháng trong điều kiện kinh tế suy giảm. Điều này, càng có cơ sở hơn để nhiều chuyên gia sau đó nhận định rằng, Việt Nam sẽ khó tránh khỏi tình trạng “ vừa lạm vừa suy”.

Thế nhưng, khi những nỗ lực để kiềm chế lạm phát dường như đã phát huy “tác dụng muộn”, cùng với “căn bệnh” suy thoái của kinh tế toàn cầu lan rộng, chỉ số giá tháng 3/2009 sau đó đã bỏ lại những nghi ngờ về lạm phát tiếp tục gia tăng. Mức giảm 0,17% so với tháng 2/2009 như là lời cảnh báo về một tình trạng suy giảm trầm trọng sẽ đến với nền kinh tế.

Những dấu hiệu của CPI tháng 3 cùng với sự đi xuống của nhiều ngành kinh tế trong nước thời điểm đó đã buộc nhiều tổ chức kinh tế trong và ngoài nước liên tục thay đổi những dự báo về mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam và hầu hết là điểu chỉnh giảm.

Thậm chí, sau quý I không lâu, Tờ The Economist của Vương quốc Anh trong Hội nghị Kinh tế đối ngoại đã đưa ra mức dự báo “cực kỳ bi quan” đối với tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam năm 2009 là 0,3%.

Quý II và CPI 6 tháng: Bức tranh đẹp

“Dường như có nhiều nét tương đồng giữa CPI nửa đầu năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2007”, đó là phân tích đầu tiên của TS Vũ Đình Ánh trong buổi “tổng kết” cùng phóng viên chúng tôi về CPI 6 tháng đầu năm nay.

Cái tương đồng mà ông Ánh đưa ra, đó là cả năm 2007 và 2009 đều bắt đầu bằng 2 tháng đầu năm dương, rồi sau đó giảm vào tháng 3. Quý II của 2007 và 2009 là 3 tháng CPI đều tăng liên tục, trong đó tháng sau đều tăng cao hơn tháng trước.

“Đó là nét tương đồng về xu hướng tăng, còn về mức độ, như chúng ta đã biết, năm 2007 tăng ở mức cao hơn nhiều” - Ông Ánh giải thích thêm.

“Rõ ràng, CPI trong tháng quý II năm 2009 và 2007 mặc dù đều tăng, song tháng tháng 4 năm 2009 chỉ tăng ở mức 0,35%, trong khi đó, tháng 4/2007 tăng 0,49%, tháng 5 và tháng 6 vừa rồi chỉ tăng 0,44% và 0,55%, trong khi đó, hai tháng này của năm 2007 là 0,77% và 0,85%”. Ông Ánh tiếp tục chứng minh.

Ngoài những nguyên nhân dẫn đến sự tương đồng trong chỉ số CPI của nửa đầu năm 2009 và 2007, ngoài những sự tương đồng về các yếu tố giá trong nước, quốc tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, một yếu tố rất quan trọng, đó là cả năm 2007 và giai đoạn vừa qua của năm 2009, chúng ta tập trung để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng trong chính sách kinh tế.

“Trong khi năm 2007 là nỗ lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8,5% (sau đó chỉ đạt 8,48%) còn thời gian vừa qua của năm 2009, chúng ta cũng đang nỗ lực để đối phó với sự đi xuống của tăng trưởng”, Phó Viện trưởng Viện KH thị trường và giá cả nói.

Khác với năm 2007, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, sự biến động của chỉ số CPI 6 tháng vừa qua mà đặc biệt là quý II vừa rồi là kịch bản đẹp nhất vào thời điểm hiện nay.

Bởi theo ông Ánh, thời gian qua chúng ta đang nỗ lực để thực hiện gói kích cầu, do đó việc tiêu dùng gia tăng có nghĩa là đạt mục tiêu. Tất nhiên, tăng tiêu dùng sẽ dẫn đến lạm phát, nhưng ở đây là lạm phát do cầu kéo và ở mức như 3 tháng của quý II là mức rất hợp lý.

“Cũng có thể, thời gian qua nhiều người quan ngại về việc trở lại của lạm phát. Nhưng không vì thế mà chúng ta thực hiện giảm chi tiêu đi. Nếu thế, đâu còn là kích cầu nữa” - TS Ánh bày tỏ quan điểm.