Phải “cột” trách nhiệm khi tập đoàn đầu tư ra ngoài

Phải “cột” trách nhiệm khi tập đoàn đầu tư ra ngoài

Bên lề ngày thảo luận của Quốc hội về báo cáo giám sát tập đoàn, ông Hà Văn Hiền đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh chủ đề được quan tâm này.

Thưa ông, báo cáo giám sát của Thường vụ Quốc hội đã đề cập việc sắp xếp lại những tổng công ty nhà nước bị thua lỗ kéo dài. Vậy cụ thể sẽ như thế nào?
 
Trong báo cáo nói rõ, có những đơn vị đã phát hiện thua lỗ từ khá lâu, nhưng do chúng ta xử lý chưa triệt để dẫn tới nợ kéo dài và tích tụ. Thực tế, có những đơn vị, nợ vay trên vốn chủ sở hữu tăng gấp mười lần. Tuy nhiên, phần lớn những doanh nghiệp có nợ lớn như vậy là vay đầu tư cho trung hạn và dài hạn.
 
Cũng phải chia sẻ với một số tập đoàn, TCty do suy thoái mà ảnh hưởng chiến lược đầu tư. Ví dụ Vinashin, vừa qua có nhiều dự án với nước ngoài như ký kết các hợp đồng đóng tàu ba vạn, năm vạn tấn, nhưng do suy giảm, hợp đồng kinh tế bị cắt, họ gặp khó khăn…
 
Vậy với những doanh nghiệp nhà nước nợ lớn, trong đó có Vinashin, tới đây sẽ phải xử lí như thế nào?
 
Tôi cho rằng, với những dự án đã triển khai rồi nhưng gặp khó khăn, nhà nước cũng nên can thiệp để các dự án được thực hiện vì càng đình trệ sẽ càng khó.
 
Còn trách nhiệm cá nhân, thưa ông?
 
Chúng ta phải xem xét những căn nguyên cụ thể và chiến lược đầu tư của từng đơn vị vì trong kinh doanh cũng có những rủi ro. Với việc làm ăn thua lỗ vì lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân thì phải xử lý.
 
Việc đầu tư ra bên ngoài của các tập đoàn không hiệu quả và các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có qui định cụ thể về đầu tư của tập đoàn, nhất là không để tập đoàn đầu tư quá xa lĩnh vực chính của mình?
 
Trước đây chúng ta chưa có qui định để các doanh nghiệp đầu tư ra ngoài ngành nghề chính, vì vậy có 47% doanh nghiệp đã đầu tư ra ngoài ngành vào tài chính, chứng khoán, bất động sản… với một nguồn vốn khá lớn.

Qua đánh giá thấy đầu tư vào lĩnh vực bên ngoài hiệu quả rất thấp, thấp hơn việc đầu tư ở ngành chính. Khi phát hiện ra chúng ta đã không kịp thời ban hành các quy định để xử lý.
 
Tới đây, nhà nước sẽ phải có quy định về vấn đề này. Phải cụ thể là anh chỉ được đầu tư ra ngoài ở những lĩnh vực nào cũng như điều kiện, trách nhiệm nếu không có hiệu quả. Sau báo cáo giám sát này, chúng ta sẽ phải hoàn thiện chính sách.
 
Dự kiến tới đây sẽ thành lập thêm 4 tập đoàn kinh tế mới, vậy ông có khuyến cáo gì?
 
Tập đoàn vừa qua mới là thí điểm. Báo cáo giám sát đã chỉ rõ bất cập của mô hình nên việc hình thành các tập đoàn mới phải rút kinh nghiệm.
 
Trước hết, cần tổ chức tổng kết mô hình tập đoàn cũ và phải làm kĩ lưỡng, nhất là quan hệ quản trị trong nội bộ tập đoàn. Các tập đoàn mới ra đời phải trên cơ sở đánh giá tổng kết lại các tập đoàn hiện có.
 
Về mô hình Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), báo cáo giám sát cho rằng chưa hợp lí. Vậy dự kiến tới đây sẽ như thế nào?
 
Hiện đơn vị này đã tiếp nhận 800 doanh nghiệp, phần lớn vừa và nhỏ, trong khi đó vẫn còn 300 doanh nghiệp với số vốn 5.000 tỷ đồng chưa bàn giao.
 
Vậy chức năng người đại diện tại những doanh nghiệp mà SCIC góp vốn là thế nào cần phải làm rõ, bởi nếu vẫn hoạt động theo luật doanh nghiệp hiện hành sẽ bất cập.
 
Tôi cho rằng vẫn nên duy trì mô hình này nhưng phải có đổi mới. Bất cập là trong số thành viên hội đồng quản trị có nhiều người kiêm nhiệm nên không chuyên nghiệp.