Phú Quốc: ngọc trai dỏm tràn lan

Phú Quốc: ngọc trai dỏm tràn lan

Từ đồng đến đô, giá nào cũng có

Ngọc trai “đeo lon” Phú Quốc được bày bán la liệt khắp nơi: từ nam đến bắc đảo, từ bến tàu đến cảng hàng không, từ cửa nhà tù Phú Quốc đến chợ đêm Dinh Cậu… Thậm chí ngọc trai còn được bày bán chung với cả… cá khô và nước mắm. Giá cả thì vô chừng, có thể vài chục ngàn đồng và lên đến vài chục ngàn USD!

Chúng tôi đến một cơ sở nuôi cấy ngọc trai đóng tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, huyện đảo Phú Quốc. Khi taxi vừa tới, một cô gái chạy ra đón… tài xế. Hóa ra mỗi tài xế khi chở khách vào cơ sở ngọc trai ở đây đều được bo 100.000 - 200.000 đồng, tùy xe lớn nhỏ.

Sau một hồi lựa chọn, chúng tôi mua một hạt ngọc lớn giá 500.000 đồng và một chuỗi ngọc 500.000 đồng tặng bạn gái đi cùng. Theo yêu cầu của chúng tôi, cô gái bán hàng xuất ra một phiếu bảo hành thời hạn một năm. Chúng tôi  đòi “phải ghi rõ là ngọc trai Phú Quốc”, cô bán hàng chỉ vào hóa đơn có đóng dấu cơ sở nuôi cấy ngọc trai và tươi cười: “Có con dấu, chữ ký của cơ sở đây rồi, khỏi cần…”.

Đưa khách đến các cơ sở nuôi cấy trai, các tài xế đều được hưởng hoa hồng -Ảnh: M.H.

Coi chừng đồ dỏm

Tôi cầm chuỗi ngọc và hạt ngọc nói trên đưa cho một chuyên gia về nuôi cấy ngọc trai, anh này phán ngay: “Đồ dỏm! Cả hai thứ này chắc chắn đều không phải ngọc trai được nuôi cấy ở Phú Quốc, và giá của nó chỉ đáng vài chục ngàn đồng. Chỉ có ngọc trai dỏm mới đi viết giấy bảo hành cho khách hàng một năm”.

Tôi không phải là nạn nhân duy nhất. Mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách trong và ngoài nước tới các cơ sở nuôi cấy trai ở Phú Quốc. Vì họ đi theo xe đoàn nên tài xế và chủ xe trên đảo cho dừng đâu thì dừng. “Ngoài tiền bo, tài xế còn được hưởng 20% tiền hoa hồng từ bán ngọc trai. Vì thế dẫu biết nơi đó bán ngọc trai dỏm, bán ngọc trai nước ngọt của Trung Quốc, cánh tài xế vẫn đưa khách vào. Thậm chí một số nơi còn bán “ngọc trai” làm bằng nhựa” - một tài xế tiết lộ. 

Sẽ chấn chỉnh

Ông Lữ Minh Hải - chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Kiên Giang - cho hay lâu nay lực lượng này chưa có chấn chỉnh nào đối với tình trạng mua bán ngọc trai. Tuy nhiên, ông nói: “Hiện chúng tôi đang phối hợp với ngành chức năng kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh mặt hàng ngọc trai trên đảo Phú Quốc”.

Ông Lê Quốc Tuấn, cán bộ Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Trên đảo Phú Quốc có hai cơ sở nuôi cấy ngọc trai. Một cơ sở nuôi cấy ngọc trai trước đây của người Nhật tại thị trấn An Thới, giải thể năm 1997 do khủng hoảng tài chính. Sau đó ông Hồ Phi Thủy, một người dân trên đảo, đã mua lại toàn bộ cơ sở này và thuê một chuyên gia người Nhật lo kỹ thuật nuôi cấy. Hiện lấy tên là DN ngọc trai Ngọc Hiền, trụ sở đóng tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ. Một cơ sở khác do một công ty của người Úc nuôi cấy ngọc trai từ nhiều năm qua nhưng hoạt động cầm chừng…”.

Ông Hồ Phi Thủy cho hay: “Chúng tôi đã đầu tư hàng tỉ đồng, thuê chuyên gia của Nhật làm bao nhiêu năm nay mà còn phải đi học hỏi thêm kinh nghiệm. Sản phẩm của tôi chủ yếu xuất khẩu qua Nhật, còn lại gia đình tự đứng ra tổ chức bán. Chứ làm gì có ngọc trai nuôi ở Phú Quốc thứ thiệt mà bán ra đầy đường đầy chợ, rẻ rúng như thế”.

Ngọc trai Trung Quốc đang bán tràn lan trên thị trường đảo Phú Quốc. Người nuôi cấy ngọc trai thứ thiệt trên đảo đang đối mặt với hàng nhái, hàng giả và những thủ đoạn kinh doanh thiếu lành mạnh, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nhiều du khách đến hòn đảo xinh đẹp này nhiều người cũng bực mình vì mua phải… đồ dỏm.