Rộng cửa với tư nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế
Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tiếp tục gia tăng, Bộ Y tế đang nghiên cứu nhiều giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Đối với các nguồn vốn đầu tư từ xã hội, Bộ Y tế chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư tham gia chiến lược chăm sóc sức khỏe, để người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao. Theo đó, một số đề án xây dựng trường đại học ngành y và các bệnh viện vệ tinh nhằm nâng cao chất lượng y tế cũng đang được các cơ quan chức năng xây dựng.
Đồng thời, cần tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực y tế. Thời gian qua, một số dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực y tế đã được thực hiện hoặc cam kết giải ngân, như Dự án Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế (tổng kinh phí 17 triệu USD, do Chính phủ Áo đầu tư); Dự án GAFI (Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng cam kết tài trợ, tổng vốn 47 triệu USD); Dự án Phát triển Bệnh viện tỉnh vùng (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA tài trợ, tổng vốn 104 triệu USD)…
Bên cạnh đó, trong một cuộc hội thảo diễn ra mới đây, do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Phát triển Hoa Kỳ tổ chức, Đại sứ Hoa Kỳ David Shear cho biết, Hoa Kỳ cam kết sẽ ủng hộ Việt Nam thực hiện dự án hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực y tế. “Trước mắt, một nhóm đặc trách sẽ được thành lập để thúc đẩy dự án PPP trong ngành y tế”, ông David Shear cho biết.
Ngoài ra, việc phát triển các cơ sở y tế tư nhân quy mô nhỏ cũng là một hướng thu hút nguồn vốn cho lĩnh vực y tế. Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hệ thống y tế ngoài công lập đã góp phần giảm tải cho các cơ sở khám chữa chữa bệnh công lập. Tuy nhiên, theo ông Hiền, cần phải tập huấn nhiều hơn cho các cơ sở này về các quy định pháp luật liên quan đến khám chữa bệnh, đồng thời tăng cường giám sát để xử lý kịp những trường hợp vi phạm các quy định liên quan đến hoạt động của cơ sở y tế ngoài công lập.