Sức bật khu Nam Sài Gòn
Cùng với sự kiện trên, việc thông xe tuyến đường Bắc - Nam, nối từ Đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7) đến Khu công nghiệp - Đô thị Cảng Hiệp Phước (Nhà Bè) đã tạo cơ hội phát triển cho khu Nam Sài Gòn.
SPCT là cảng đầu tiên trong cụm cảng trên sông Soài Rạp, toạ lạc trên diện tích 23 ha (cùng 500 m cầu cảng) của Khu công nghiệp - Đô thị Cảng Hiệp Phước do Tập đoàn DP World (nhà đầu tư đến từ các Tiểu Vương quốc Ảrập) và Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận đầu tư. Dự án được triển khai từ tháng 9/2007 và đưa vào hoạt động từ tháng 10/2009. Tuy nhiên, ý tưởng và quyết định lựa chọn vị trí cho SPCT đã có từ năm 2003. Điều này cũng nằm trong kế hoạch di dời hệ thống cảng trong khu vực trung tâm TP.HCM ra Hiệp Phước (Nhà Bè) và Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) của UBND Thành phố.
Sở dĩ DP World chọn Hiệp Phước để đầu tư xây dựng hệ thống cảng container là do Khu công nghiệp - Đô thị Cảng Hiệp Phước nằm cạnh sông Soài Rạp, nơi giao thoa giữa các tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, nên nhu cầu về vận chuyển hàng hoá là rất lớn.
Ông Patrick Bol, Tổng giám đốc Công ty SPCT cho biết, giai đoạn I, cảng SPCT có công suất bốc xếp hàng năm lên tới 1 triệu TEU và đây là cảng mang tầm cỡ quốc tế tại TP.HCM phục vụ tàu chạy tuyến liên Á.
Dẫn chứng với tiềm năng khi đầu tư vào Khu công nghiệp - Đô thị Cảng Hiệp Phước, ông Patrik Bol tiết lộ, kể từ chuyến tàu đầu tiên của hãng CMA cập cảng vào tháng 10/2009 đến nay, SPCT đã đón thêm nhiều hãng tàu khác và gần đây nhất là hãng tàu quốc tế MISC (Malaysia) với hai chuyến tàu cập cảng mỗi tuần. Theo ước tính của nhà khai thác DP World, tổng số hãng tàu đến với cảng SPCT là 6 hãng/tuần.
Được biết, năng lực đón nhận tàu của cảng sẽ thay đổi khi lòng sông Soài Rạp hoàn tất việc nạo vét. Ông Phan Hồng Quân, Tổng giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận cho biết, kế hoạch nạo vét luồng sông Soài Rạp sẽ được chia thành 3 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 2009 – 2010 tiến hành nạo vét 16 triệu m3 bùn, với độ sâu - 9,5m, năng lực của các cảng trên sông Soài Rạp có thể tiếp nhận tàu với tải trọng 50.000 tấn (tàu container đến 4.000 TEU). Hiện tại, TP.HCM đang chọn nhà thầu cho công trình này, dự kiến thi công vào quý II/2010 và hoàn tất trong năm 2011. Trong giai đoạn 2012 - 2013, tiến hành nạo vét đến độ sâu - 11 m để đón tàu tải trọng 50.000 – 70.000 tấn cập cảng. Giai đoạn sau năm 2015, luồng sông Soài Rạp được nạo vét tới độ sâu - 12 m, thu hút tàu tải trọng 70.000 tấn (8.000 TEU đối với tàu container). Ông Patrick Bol cho rằng, điều này sẽ giảm 50% chi phí logistics cho các nhà xuất, nhập khẩu Việt Nam.
Không riêng các nhà đầu tư tại Khu công nghiệp - Đô thị Cảng Hiệp Phước, chủ đầu tư Khu công nghiệp Long Hậu (Cần Giuộc, Long An) cũng xác định việc tiếp giáp với Khu công nghiệp - Đô thị Cảng Hiệp Phước là một lợi thế trong thu hút đầu tư.
Do đó, để phát huy tối đa hiệu quả của Khu công nghiệp - Đô thị Cảng Hiệp Phước, bên cạnh việc đầu tư hệ thống vận tải đường thủy, TP.HCM (đại diện là Khu quản lý giao thông đô thị số 4 và Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận) đã đầu tư trên 756 tỷ đồng để hoàn thành giai đoạn 2 tuyến đường Bắc - Nam (đoạn từ Đại lộ Nguyễn Văn Linh, quận 7 đến Khu công nghiệp - Đô thị Cảng Hiệp Phước, quận Nhà Bè, TP.HCM). Cùng với hệ thống cảng Hiệp Phước, đây là một trong những công trình trọng điểm của Thành phố.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, trục Bắc - Nam là tuyến đường huyết mạch cho việc vận chuyển hàng hóa từ Khu công nghiệp - Đô thị Cảng Hiệp Phước đến các khu kinh tế khác trong vùng.
Ngoài ra, đây sẽ là đòn bẩy tạo giá trị gia tăng cho các khu đô thị ở phía Nam TP.HCM (quận 7, Nhà Bè). Do đó, trong năm 2011, TP.HCM sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng trục Bắc - Nam với quy mô 6 làn xe (hiện là 4 làn xe).
Như vậy, tại khu Nam, nếu các đường nối của cầu Phú Mỹ (nối quận 7 với quận 2, điểm đầu nối tại quận 2 giáp với Cảng Cát Lái) sớm hoàn thành, sẽ tạo nên một thế liên hoàn trong phát triển công nghiệp của TP.HCM.