Tăng lương tối thiểu cũng phải nghĩ đến DN
Tại phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia cuối tháng 7 vừa qua, đã có 3 mức lương tối thiểu vùng cho năm 2015 được đưa ra với mức chênh lệch khá lớn.
Lộ trình đặt ra, đến 2017 mức lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Như vậy, từ nay đến thời điểm đó, hàng năm việc tăng lương bao nhiêu thì phù hợp đang là một bài toán.
Nghiên cứu của Viện Công nhân, công đoàn cho thấy, với mức lương như hiện nay chỉ đáp ứng được 67 - 70% mức sống tối thiểu của người lao động. Vì vậy mức đề xuất tối thiểu trong năm 2015 mà phía Tổng liên đoàn lao động đưa ra là tăng 23% so với hiện tại.
Con số này được dựa trên 3 yếu tố bao gồm: bù trượt giá, bù năng suất lao động, lộ trình cải cách tiền lương mà Chính phủ đã phê duyệt.
Giải thích điều này, PGS.TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân, công đoàn cho biết: Tổng liên đoàn đưa ra con số ấy là hợp lý để bảo vệ người lao động. Hiện nay tình cảnh những người lao động VN đang ở mức sống có thể coi là thấp hơn so với nhu cầu sống tối thiểu.
Đồng tình với mức tăng lương tối thiểu nhưng đại diện phía DN cho rằng con số này chỉ nên dừng ở mức 14% bởi thực tế tiền lương cho người lao động đã chiếm tới gần 60% doanh thu của DN. Nếu mức tăng lương tối thiểu là 14% thì đồng nghĩa với quỹ lương của DN sẽ tăng thêm rất lớn.
"Nếu tăng lương tối thiểu như thế thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề sự ổn định của DN, ngoài ra lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng, lúc đó các công ty xí nghiệp sẽ phải tìm cách để giữ lao động, Phó TGĐ công ty may Hồ Gươm Phí Ngọc Trịnh nói.
Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN cho thấy mặc dù kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu khởi sắc song những khó khăn vẫn còn rất lớn. Con số tăng thêm 14% lương tối thiểu cho người lao động mà đại diện giới chủ đưa ra dựa trên những khó khăn như DN đang phải gánh chịu chi phí đầu vào tăng của nhiều mặt hàng như xăng, dầu, điện hay vận tải...
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN Vũ Tiến Lộc cho rằng, nếu tăng 14% lương tối thiểu cho người lao động thì thực tế DN phải chi trả nhiều hơn thế.
"Nếu tăng thêm 14% thì trên thực tế chi phí của DN cho người lao động cũng phải tăng thêm đến 20%. Bởi DN đâu chỉ trả tăng thêm cho chi phí tiền lương mà một loạt chi phí khác tăng theo như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chi phí khác", ông Lộc cho hay.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Phạm Minh Huân thì lưu ý, mong muốn là tăng lương cao cho người lao động nhưng vẫn phải chú ý điều kiện thực tế của DN để làm sao DN còn có khả năng cạnh tranh và DN tồn tại, phát triển được.
Theo kế hoạch, ngày 6/8, Hội đồng tiền lương quốc gia họp bàn để đi đến thống nhất về mức lương tối thiểu vùng 2015.