Tăng xúc tiến thương mại sang Campuchia, Lào, Myanmar
Thị trường Lào có dân số trên 5 triệu người, được xem là nhiều tiềm năng cho hàng tiêu dùng Việt Nam. Hàng Việt Nam đang được ưa chuộng, tiêu thụ mạnh tại Lào là mì ăn liền, các chất tẩy rửa, mỹ phẩm, giày dép, hàng may mặc, điện gia dụng, vi tính và linh kiện, dây cáp điện, máy canh tác nông nghiệp, máy chế biến nông sản thực phẩm, gốm sứ, sứ vệ sinh…
Người tiêu dùng Lào tin tưởng chất lượng hàng Việt, đặc biệt là những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày. Theo kế hoạch giai đoạn 2011-2015, hàng Việt xuất khẩu sang Lào sẽ tăng 21,5%/năm và đến năm 2015 sẽ đạt 2 tỷ USD. Myanmar có khoảng 59 triệu dân, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 10% nhu cầu, vì thế tất cả các ngành hàng đều thiếu, nhất là trong lĩnh vực điện chiếu sáng. Đây là điều kiện thuận tiện cho DN Việt Nam sang khai thác mở rộng thị phần. Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar chủ yếu là các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nguyên phụ liệu may mặc, da giày, thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế, ôtô, thiết bị điện và điện tử, hóa chất, phụ tùng máy móc, vật liệu xây dựng, dụng cụ nhà bếp, sản phẩm nhựa, mỹ phẩm, máy tính, linh kiện điện tử…
Với dân số khoảng 15 triệu dân, cũng như Lào và Myanmar, Campuchia có nhu cầu nhập nhiều hàng hoá tiêu dùng và ngày càng chuộng hàng Việt Nam do chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Hầu hết các hội chợ, triển lãm do hàng Việt Nam tổ chức tại các tỉnh, thành lớn như Phnôm Pênh đều rất thành công. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của hàng Việt Nam tại Campuchia là rất lớn.
Tuy nhiên, vùng Tây Bắc Campuchia gồm 6 tỉnh (Battambang, Pusak, Pailin, Bantimeanchay, Otameanchay, Siemriep) tiếp giáp với Thái Lan được xem là địa bàn chiến lược để hàng Việt Nam mở rộng sang 6 tỉnh Đông Bắc Thái Lan như Ubon Ratchathani, Sisaket, Yasothon, Amnat Charoen....
Ông Từ Minh Thiện, Giám đốc ITPC TP.HCM cho biết, dù ba thị trường trên sức tiêu thụ không nhiều như các thị trường lớn khác, nhưng khi bám trụ được ở một thị trường, hàng hoá còn có cơ hội mở rộng sang các nước khác. Đặc biệt, khi có mặt tại các tỉnh của Campuchia dọc biên giới Thái Lan như Battambang, hàng hoá Việt Nam còn có thể mở rộng sang các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Tuy nhiên, hiện ở các tỉnh của Campuchia dọc biên giới Thái Lan chưa có nhiều hàng Việt Nam, chưa có mạng lưới phân phối, trong khi Chính quyền các địa phương này rất ủng hộ sự có mặt của hàng Việt Nam. Vì thế đây là thời cơ thuận lợi cho DN Việt Nam tăng sự có mặt thường xuyên hơn tại khu vực này.
Để hỗ trợ DN tăng có mặt tại Campuchia, Lào, Myanmar, thời gian tới sẽ có nhiều cuộc XTTM lớn tại ba quốc gia này. ITPC TP.HCM cho biết sẽ tổ chức một hội chợ triển lãm thương mại lớn tại Battambang, Campuchia vào cuối tháng 11 tới (từ 24-28/11/2011); Đó là Ho Chi Minh City Expo 2011. Hội chợ sẽ quy tụ khoảng 100 DN trong nước với quy mô khoảng 200 gian hàng, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm như thực phẩm chế biến, nhựa gia dụng, sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, hàng dệt may, da giày, hoá mỹ phẩm, hàng điện tử, điện gia dụng…
Ngoài trưng bày giới thiệu sản phẩm, hàng hoá, còn có các hoạt động giao lưu, kết nối DN trong nước với DN Campuchia và người tiêu dùng Campuchia. Từ ngày 17-20/11/2011, hai Bộ Công Thương Việt Nam và Myanmar cũng sẽ phối hợp tổ chức Hội chợ thương mại quảng bá hàng hoá Việt Nam tại thành phố Yangon, Myanmar. Đến đầu tháng 12, ITPC cũng sẽ tổ chức tiếp một hội chợ triển lãm lớn ở Viên Chăn, Lào và nghiên cứu mở ở đây một siêu thị hoặc một TTTM lớn.