Tata bỏ đi và nỗi buồn ngành thép
Với công suất thiết kế 4,5 triệu tấn/năm, sản phẩm là thép tấm, thép cuộn cán nóng, cuộn cán nguội, chủ đầu tư là 1 trong 10 tập đoàn thép đứng đầu thế giới, đây là một dự án nổi tiếng và rất được trông đợi nhưng kết quả là đổ vỡ.
Tranh cãi về địa điểm
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, sau ký biên bản ghi nhớ và hợp tác, đến tháng 6/2008, dự án này đã hoàn thành luận chứng kinh tế FS và đã trình hồ sơ dự án để xin giấy chứng nhận đầu tư. So với kế hoạch lập FS, sớm hơn 3 tháng.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, khi thời hạn lập FS còn chưa kết thúc thì đùng một cái, vị trí dự kiến xây dựng nhà máy của Tata đã được Hà Tĩnh quyết định cấp cho một dự án khác.
Hà Tĩnh đã hứa sẽ tìm địa điểm mới cho dự án Tata. Tuy nhiên, sau đó Banquản lý khu kinh tế Vũng Áng đã công văn gửi nhà đầu tư cho biết, sẽ chỉ cấp diện tích là 725ha cho khu liên hợp thép, khu dịch vụ của dự án sẽ rút từ 50ha xuống chỉ còn 37ha, chiều dài tiếp giáp mặt biển chỉ được 1,8km, rút ngắn 400m so với dự kiến của chủ đầu tư.
Theo Ban quản lý, nếu chiều dài tiếp biển mà tới 2,2km thì sẽ phá vỡ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng, đồng thời, không còn đất để bố trí cho dự án lọc dầu. "Đây là sự ưu tiên đặc biệt cuối cùng đối với các nhà đầu tư", công văn của Ban quản lý này nhấn mạnh.
Tập đoàn Tata cho rằng, cần thiết phải giữ nguyên 2,2km chiều dài tiếp biển của khu liên hợp, bởi đây là chiều dài tối thiểu cần có để vận hành công nghệ luyện thép, thuận tiện vận chuyển đường biển, chi phí đầu tư giảm và đảm bảo hiệu quả.
Bộ Công Thương khi đó đã ra văn bản "nhắc" địa phương cần đáp ứng việc cấp đất như thỏa thuận ban đầu với nhà đầu tư và giữ nguyên chiều dài tiếp giáp biển. Tuy nhiên, quyền quyết định vẫn là thuộc về tỉnh.
Câu chuyện này đến nay vẫn để lại nhiều băn khoăn, nó như một điềm báo cho số phận của một đại dự án được mong chờ. Điều này trái ngược với một dự án thép khác cũng ở Thạch Khê - Hà Tĩnh là Formosa của Đài Loan đang triển khai rất thuận lợi. Tổng vốn đầu tư của Formosa là 7,9 tỷ USD, diện tích rộng 3.035ha, công suất ban đầu 15 triệu tấn/năm, chia làm 2 giai đoạn.
Thiếu kinh phí đền bù
Một trong những nguyên nhân nữa, khiến cho dự án không thành, là tập đoàn Tata không đạt được thỏa thuận về kinh phí giải phóng mặt bằng.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhà đầu tư không phải bỏ ra chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư, mà đó là phần việc của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, để giải phóng mặt bằng một diện tích rộng tới 750 ha cần một chi phí khoảng 5.000 tỷ đồng. Đây là một chi phí rất lớn mà ngân sách của tỉnh không thể đáp ứng được.
Chính vì vậy, chính quyền địa phương đã đề nghị Tata hỗ trợ toàn bộ chi phí đó và số tiền đó sẽ được trừ vào tiền thuê đất. Nhưng Tata Steel đã liên tục từ chối và cho rằng việc đền bù, giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của Khu kinh tế Vũng Áng theo quy định hiện hành và được xem như một ưu đãi về tài chính cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà nếu không có, thì dự án khó có tính khả thi.
Sau đó,Tata chỉ chấp nhận ứng trước khoảng 30 triệu USD ( khoảng 600 tỷ đồng) cho giải phóng mặt bằng, tương đương mức tạm ứng của một dự án khác trên địa bàn. Tata cho rằng, cần phải có sự công bằng giữa các nhà đầu tư với nhau. Tại sao nhà đầu tư khác chỉ phải tạm ứng 30 triệu USD để giải phóng mặt bằng, còn Tata lại nhiều hơn.
Hà Tĩnh đã phải báo cáo với Chính phủ và đề xuất phương án dùng ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có câu trả lời, khó thu xếp được khoản tài chính lớn như vậy cho việc giải phóng mặt bằng bởi kinh tế khó khăn, đầu tư công phải cắt giảm. Chính vì vậy mà sau gần 7 năm giấy phép đầu tư vẫn không được cấp cho dự án và cuối cùng Tata đã tuyên bố rút lui.
Tiếc cho một dự án
Ông Phạm Chí Cường một chuyên gia ngành thép cho rằng, Tata rút lui thực ra đã được dự đoán từ trước và không có gì là ngạc nhiên, bởi 1 thời gian dài dự án không có sự tiến triển nào.
Ông Cường cho biết, sự rút lui của Tata không ảnh hưởng đến quy hoạch của ngành thép. Hiện tại Hà tĩnh đã có liên hợp thép của Formosa đang xây dựng với các chủng loại tương tự và công suất lớn hơn.. Không những thế với địa phương có 2 dự án liên hợp thép sẽ gây ra quá tải về hạ tầng điện, nước, giao thông và nguồn nhân lực, tác động môi trường...
"Cái tiếc duy nhất là 1 dự án với đối tác có bề dầy kinh nghiệm, có hoạt động sản xuất hiệu quả đã không thành hiện thực".
Theo ông Cường, cũng cần xem xét lại việc cấp phép đầu tư trong lĩnh vực sản xuất thép. Dự án khu liên hợp thép Formosa ban đầu không nằm trong quy hoạch ngành thép, đến khi nhà đầu tư xin làm thì tới 2010 mới được Bộ Công thương đưa vào quy hoạch, làm cho tổng công suất tăng vọt, khác xa điều kiện ban đầu khi các nhà đầu tư quyết định vào Việt Nam.
Theo dự kiến cuối năm 2015 lò cao số 1 khu liên hợp này sẽ hoàn tất và đi vào hoạt động. Với lò cao đầu thì không có vấn đề, nhưng Formosa đã nâng công suất lên 22 triệu tấn/năm thay vì 15 triệu tấn như dự án ban đầu sẽ có nhiều vấn đề mới đặt ra.
Theo ông Cường, kinh nghiệm tại các nước phát triển cho thấy, việc xây dựng nhà máy thép có công suất 5 triệu tấn/năm là một thách thức. Trên thế giới, nhà máy thép xây dựng tại 1 địa điểm với công suất trên 10 triệu tấn/năm rất hiếm và nếu đã xây dựng đều phải được tiến hành bởi các tập đoàn sản xuất thép rất nổi tiếng và có công nghệ sản xuất thép từ hơn 50 năm.
Thế nhưng, nếu điểm tên trong danh sách 20 nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới có đủ năng lực triển khai các dự án thép trên 10 triệu tấn/năm thì duy nhất chỉ có Tata (là nhà sản xuất thép xếp thứ 8 toàn cầu). Mặc dù là tập đoàn có năng lực mạnh nhưng Tata cũng chỉ khiêm tốn đầu tư vào Việt Nam dự án xây dựng nhà máy thép có công suất khiêm tốn nhỏ hơn 5 triệu tấn/năm nhưng nay cũng đã rút lui.