Thiếu vốn đầu tư, các dự án xếp hàng chờ

Thiếu vốn đầu tư, các dự án xếp hàng chờ

Câu chuyện TPHCM - thành phố đóng góp 20% trong GDP của cả nước - thiếu vốn đầu tư đã được báo động từ nhiều năm nay.

Con trăn ăn đuôi của mình

Tình trạng thiếu vốn cho đầu tư phát triển trong đó chiếm một tỷ trọng lớn là các công trình hạ tầng  không phải là vấn đề mới của thành phố mà đã kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, các năm trước bằng nhiều cách, nhiều nguồn khác nhau, thành phố vẫn có thể thoả mãn được một phần căn bản nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển. Đến năm 2009 thì tình hình đã khác, cho dù thành phố có cố gắng giật gấu vá vai đến cỡ nào cũng không thể cân đối nguồn vốn chi cho đầu tư.

Sở dĩ đến năm 2009, câu chuyện thiếu vốn đầu tư mới trở nên bức xúc, bởi mọi nguồn vốn của thành phố hiện nay được ưu tiên chi cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tổng số vốn cần phải có lên đến 25.000 tỉ đồng. Điều gì đến sẽ phải đến, tiếng kêu thiếu vốn từ các công trình ngày một nhiều hơn.

Theo kế hoạch đã được HĐND thông qua tại kỳ họp cuối năm 2008, tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước của thành phố trong năm 2009 là khoảng 27.000 tỉ đồng. Sau khi cân đối các khoản cần đầu tư, cuối cùng nguồn vốn dành để chi cho đầu tư phát triển thực chất chỉ còn được từ 6 đến 7 ngàn tỉ đồng. Trong đó, phải dành một khoản tương đương 2.000 tỉ đồng để trả nợ gốc và lãi vay của các khoản vay đầu tư của những năm trước.

Cuối cùng, số vốn thực chất được chi cho kênh đầu tư phát triển chỉ còn chưa đến 5.000 tỉ đồng. So với nhu cầu đầu tư của thành phố thì số vốn trên chẳng khác gì muối bỏ bể. 70-80% vốn chi cho đầu tư của thành phố là vốn vay. Năm nào đến phần thảo luận ngân sách, các đại biểu HĐND thành phố cũng yêu cầu thành phố phải kiến nghị trung ương nâng mức giữ lại ngân sách để chi cho phát triển. Nếu không có phương cách hữu hiệu tìm nguồn vốn đầu tư mà cứ đi vay mượn, thì thành phố sẽ sa vào tình cảnh "con trăn ăn chính đuôi của mình".

Thiếu vốn, dự án xếp hàng chờ

Chỉ tính riêng các dự án thuộc ngành giao thông công chính - theo thông tin do UBND thành phố công bố tại hội nghị kêu gọi đầu tư hạ tầng, vốn ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được 30%, số còn lại 70% phải tìm nguồn vốn bên ngoài ngân sách. Ước tính, nguồn vốn cần có cho ngành giao thông công chính đến năm 2020 khoảng 15 tỉ USD.

Trong khi nhu cầu nhiều, vốn không có, hàng loạt các dự án phải xếp hàng chờ nguồn vốn. Điển hình phải kể đến các dự án như dự án đường song hành Hà Huy Giáp (dài 4km, vốn đầu tư 65 triệu USD), dự án nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 15 (dài 40km, vốn đầu tư 171,25 triệu USD)...

TP cũng đang kêu gọi đầu tư vào các dự án cần vốn đầu tư lớn như đường vành đai 3 (dài 8,4km, vốn đầu tư 2,5 tỉ USD), đường trên cao số 3, năm nút giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), các tuyến xe điện ngầm số 4, 5, 6... Trong ngành cấp nước, các dự án đang chờ để triển khai cần nguồn vốn lên đến gần 6.000 tỉ đồng. Các dự án môi trường cần nguồn vốn hơn 2 tỉ USD.

Hệ thống hạ tầng thành phố cũng đang phải gồng mình chịu tải gấp cả chục lần so với thiết kế ban đầu. Theo số liệu của UBND thành phố, dân số TPHCM hiện tăng gấp hai lần so với năm 1985, trong khi quỹ đất dành cho giao thông TP quá thấp (4,87% so với yêu cầu chuẩn là 20-24%) nên dẫn đến quá tải, thường xuyên gây ùn tắc, kẹt xe.

Bên cạnh đó, mặt đường cho giao thông mỗi năm chỉ tăng thêm 1-2%, nhưng lượng xe tăng 10-12%. Hậu quả tất yếu, thành phố đang phát triển không cân đối. Thành phố xác định, vấn đề có tính sống còn của TPHCM là phải tập trung phát triển cơ sở hạ tầng trong thời gian tới; tuy nhiên, với tình hình thiếu vốn như hiện nay, thành phố thực sự lâm vào cảnh lực bất tòng tâm.

TPHCM đóng góp 1/5 GDP của quốc gia, nhưng chỉ được được giữ lại 26% tổng nguồn thu trên địa bàn. Trong nhiều năm, thành phố đã kiến nghị nâng mức giữ lại ngân sách từ 26% lên 29% để thành phố có thêm nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng, nhưng chưa bao giờ được chấp thuận.

Năm 2008, thành phố đã tổ chức một hội nghị kêu gọi đầu tư vào hạ tầng thành phố cho năm 2009 và những năm sắp tới. Thế nhưng cho đến thời điểm hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng từ nguồn xã hội hoá vẫn chưa có gì để gọi là hứa hẹn.