Thu hẹp chênh lệch giá vàng
Chênh lệch giá - sự thất bại của chính sách
Sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng miếng có hiệu lực, thị trường vàng đã ổn định hơn trước. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, thậm chí còn cao hơn cả trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời, có lúc lên tới 5 triệu đồng/lượng, gây bức xúc trong dư luận.
TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, mức chênh lệch giá vàng quá lớn hiện nay cho thấy sự thất bại của chính sách quản lý thị trường vàng và đặt ra nhiều câu hỏi về lợi ích nhóm.
“Định hướng không để vàng lưu thông như tiền tệ trong nền kinh tế là rất tốt. Tuy nhiên, tôi lo lắng về những công cụ quản lý. Trong môi trường chính sách “mờ ảo” hiện nay, nhiều người ngờ rằng, việc độc quyền vàng là để phục vụ lợi ích nhóm. Còn việc chênh lệch giá vàng cao như hiện nay là biểu hiện sự thất bại của chính sách”, ông Thành nói.
Trả lời trước Quốc hội vài tháng trước đây, Thống đốc NHNN khẳng định: “Không có chuyện liên thông với giá vàng thế giới”. Theo lý giải của người đứng đầu NHNN, việc liên thông giá vàng sẽ khiến thị trường quay lại tình trạng đầu cơ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao là mảnh đất tốt cho hoạt động đầu cơ. Chưa kể, theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, việc quản lý vàng mang tính áp đặt, tạo ra sự chênh lệch lớn về giá giữa trong và ngoài nước sẽ vô tình biến việc chống vàng hóa thành tiền tệ hóa vàng, biến vàng thành loại tiền thứ hai trên thị trường, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Điều bất cập dễ thấy nhất là, từ sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ngày càng lớn hơn. Số tiền từ khoản chênh lệch lớn này rơi vào túi ai thì chưa rõ, nhưng điều chắc chắn là, người dân mua bán vàng đang chịu thiệt thòi lớn.
“Khi tiền đồng mất giá, kinh tế tiềm ẩn bất ổn, thì việc người dân có tâm lý nắm giữ vàng là dễ hiểu. Việc giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch quá lớn gây bất lợi cho người dân, đồng thời khiến kinh tế vĩ mô bất ổn”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận xét.
Đây cũng là lý do mà trong các nghị quyết ban hành năm 2012 và đầu năm nay, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu NHNN có biện pháp kéo giá vàng trong nước xuống sát với giá vàng thế giới.
Kỳ vọng rút ngắn chênh lệch giá vàng
Theo Chỉ thị 01/CT-NHNN vừa được ban hành, 5 nhóm giải pháp chính để ổn định thị trường vàng được NHNN đưa ra là: đẩy nhanh tiến độ gia công vàng miếng SJC từ vàng miếng thương hiệu khác; tổ chức sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình tất toán số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng; triển khai thực hiện cơ chế mua bán vàng của NHNN nhằm mục tiêu kiến tạo và đảm bảo sự lưu thông của thị trường; thanh tra giám sát các hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép…
Nhiều chuyên gia nhận định, với những giải pháp trên, đặc biệt là sau khi các ngân hàng tất toán trạng thái vàng, thì chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được rút ngắn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại rằng, về lâu dài, tình trạng độc quyền sẽ khiến chênh lệch giá vàng lại tăng lên.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng nhận định: “Một khi tình trạng độc quyền vàng và cơ chế xuất nhập khẩu vàng vẫn như hiện nay, thì chắc chắn tình trạng chênh lệch giá vàng vẫn sẽ kéo dài. Trên thế giới, nước ít nhất cũng có 3 - 4 thương hiệu vàng cùng tồn tại, chứ không nước nào để ngân hàng trung ương vừa đá bóng, vừa thổi còi, bao thầu từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến quản lý mạng lưới mua bán như Việt Nam hiện nay. Thật vô lý, vì cùng hàm lượng vàng mà vàng SJC cao hơn vàng thế giới 3 - 4 triệu đồng/lượng, trong khi vàng các thương hiệu khác có giá gần như ngang bằng giá thế giới”.
Vị giám đốc trên cho rằng, sau một vài năm triển khai, NHNN nên dừng lại để đánh giá hiệu quả của chính sách độc quyền vàng, từ đó có những điều chỉnh hợp lý.
TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, cơ quan quản lý phải quản lý về chất lượng, chứ không nên chấp nhận thương hiệu này mà phủ nhận các thương hiệu khác. Ngay cả khi muốn tạo một thương hiệu vàng quốc gia, thì cũng cần phải có lộ trình phù hợp và có cơ chế bình đẳng để các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác cùng tồn tại, bởi đã là vàng đủ chất lượng, thì có giá trị như nhau trong lưu thông. Bên cạnh đó, để giá vàng trong nước và giá vàng thế giới liên thông, cần lập sàn vàng quốc gia, thay chính sách cấp quota nhập khẩu hiện hành…
Vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của những chính sách quản lý mới về thị trường vàng. Sự chênh lệch giá bất hợp lý thời gian qua có thể là điểm yếu tạm thời của chính sách trong thời kỳ “quá độ”. Tuy nhiên, NHNN cũng cần lắng nghe, đánh giá khách quan tác động chính sách để có những điều chỉnh hợp lý.