‘Tôi đi tìm mãi mảnh đất cho ước mơ khởi nghiệp’
Theo các chuyên gia tại buổi tọa đàm “Tạo đà cho khởi nghiệp công nghệ cao”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 24/2 tại Hà Nội, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao còn khiêm tốn. Lý do chung thì đây là ngành cần đầu tư lớn, rủi ro cao, khó có thể mang lại lợi nhuận cao như bất động sản hay tài chính.
Một con số thống kê cho biết, cứ khoảng 10 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp thì có chỉ có 1 DN thành công. “Kể cả khi họ đã có ý tưởng, hoài bão, nhưng những rào cản từ chính sách, khả năng tiếp cận vốn... vẫn luôn là những điểm nghẽn khiến cho số lượng DN khởi nghiệp không thành công gia tăng”- ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ.
Nhiều DN vẫn bơ vơ
Ông Tuấn cho rằng việc nhiều DN tư nhân lớn đầu tư vào nông nghiệp như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai,... với những ý tưởng đột phá được xem là dấu hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp nước nhà và đây sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết, ông đã gặp và tiếp xúc với nhiều DN sản xuất nông nghiệp, “họ bơ vơ dù chính sách rất nhiều”.
Về các lý do đặc trưng ở Việt Nam, ông Tuấn nêu ra hai khó khăn. Thứ nhất là đất đai manh mún, nhà đầu tư Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) dù có ý định đầu tư, nhưng khó có thể tìm được diện tích đất đủ lớn để sản xuất theo hướng hàng hóa. Thứ hai là việc thực thi hợp đồng khó khăn. DN đầu tư cho nông dân về giống, phân bón, nhưng đến lúc thu hoạch, chỉ cần có DN trả cao hơn, nông dân sẵn sàng phá bỏ hợp đồng.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Nhà nước cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, xem cái gì hiệu quả, không hiệu quả. Cùng với đó là giảm các loại phí, từ đó giảm chi phí cho người dân, DN và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi hơn; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN để tạo vốn cho họ.
Bên cạnh các yếu tố ưu đãi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp thường như thuế, vốn… còn yếu tố quan trọng nữa là phải đảm bảo quyền bảo vệ tài sản cho DN, cần bảo đảm hợp đồng, sự tuân thủ giữa DN và người dân, đây là sự tác động rất lớn với DN.
“Chẳng hạn như trong dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đang mong muốn thu hút đầu tư tư nhân vào đầu tư phát triển rừng. Nhưng trong xây dựng luật một mặt là khuyến khích người dân đầu tư vào trồng rừng nhưng khi rừng đến tuổi khai thác thì lại phải xin phép. Như vậy, người dân tạo ra sản phẩm của họ nhưng họ lại không có quyền đối với sản phẩm này”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Đất đai là nút thắt lớn nhất
Khách mời đặc biệt của chương trình là ông Trần Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoa Anh Đào – người đã mất thời gian 10 năm để nghiên cứu trồng và nhân giống hàng loạt hoa anh đào Nhật Bản ở điều kiện thời tiết Việt Nam.
Từ 10 hạt giống ban đầu mà nước bạn cho, hiện ông có hơn 30 nghìn cây con, 4.500 cây đã được đem đi trồng và khoảng 200 cây có hoa. Giá bán cho một cây 8-9 năm tuổi từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng.
Ông Trần Lệ cho biết, DN, đặc biệt là DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp muốn kinh doanh phải có diện tích, mặt bằng kinh doanh lớn. Không thể phát triển mạnh nếu cứ manh mún, nhỏ lẻ. Ông Lệ cho biết, muốn tìm một quỹ đất để phát triển hoa, rau, ông phải đi rất nhiều địa phương mới có thể thực hiện ước mơ khởi nghiệp bằng nông nghiệp công nghệ cao của mình.
“Tìm được một diện tích đất đủ lớn để làm nông nghiệp đã khó, làm sao để làm ăn suôn sẻ còn khó hơn. Chúng tôi khi thực hiện dự án hoa, rau sạch tại địa phương đã gặp phải rất nhiều rắc rối từ thủ tục, cơ chế hoạt động” - ông Lệ cho hay và nhấn mạnh: Khởi nghiệp chỉ có ý tưởng thôi chưa đủ, phải có sự đồng hành của người thân, bạn bè và cả sự liên kết với các nhà chuyên môn, nhà khoa học cũng như ưu đãi, tạo điều kiện từ phía nhà quản lý, chính quyền địa phương mới có thể thành công.
Ông Trần Quốc Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Ban Quản lý dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST) cho rằng, bất cập lớn nhất trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đất đai. “Nút thắt” nữa chính là sự liên kết giữa người có ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với người nghiên cứu nhưng không biết chuyển giao ở đâu.
“Nếu hệ sinh thái khởi nghiệp hay hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia hình thành, phát triển mạnh mẽ thì sự hình thành khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp trong nông nghiệp công nghệ cao sẽ có nhiều khởi sắc”, ông Trần Quốc Thắng nói.
Không hiểu cây trồng, đừng nên vay vốn
Ở góc nhìn cận cảnh hơn, ông Trần Lệ đưa ra lời khuyên cho những người có dự định làm nông nghiệp công nghệ cao: “Nhiều người hỏi tôi, họ định trồng cây mắcca, nhưng lại không nắm rõ về nguồn gốc xuất xứ, đặc tính của cây này. Nếu không hiểu rõ về loài cây mình định đầu tư thì đừng nên đi vay vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân sự làm gì. Hãy hiểu rõ, nắm chắc lĩnh vực mình theo đuổi. Bất kể là trồng hoa anh đào, địa lan hay đông trùng hạ thảo."
Còn ông Trần Quốc Thắng lưu ý, nếu DN muốn khởi nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao, đầu tiên phải có ý tưởng. Ý tưởng về sản phẩm đó sẽ nằm trong phân khúc nào, sự đáp ứng sẽ như thế nào, công nghệ để áp dụng.
Trong nông nghiệp, vấn đề lớn đó là an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, các tiêu chuẩn kỹ thuật…Đây là vấn đề quan trọng đối với DN khởi nghiệp trong nông nghiệp.
Bên cạnh đó, là đội ngũ thực hiện ý tưởng, đó là công nghệ, kinh doanh, maketing… và sự liên kết các tri thức, nhà sản xuất ra tri thức, nhà khoa học, viện nghiên cứu, chuyên gia là điều kiện quyết định rất nhiều đến thành công của DN đó.