TP.HCM: Cần khơi thông nguồn nguyên liệu nội địa cho doanh nghiệp chế xuất

TP.HCM: Cần khơi thông nguồn nguyên liệu nội địa cho doanh nghiệp chế xuất

Đã gần 10 năm áp dụng xuất khẩu tại chỗ cho hàng hóa nội địa bán vào các KCX, nhưng đến nay lượng hàng nội địa xuất khẩu tại chỗ vẫn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 200 triệu USD/năm (tương đương 10% lượng nguyên liệu các DN chế xuất nhập từ nước ngoài). Làm thế nào để bên bán và bên mua gặp nhau, khơi luồng nguyên liệu nội địa vào KCX?

DN chế xuất chưa “mặn” nguyên liệu nội địa


Hiện nay, phần lớn các DN chế xuất đều sử dụng nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất sản phẩm xuất khẩu, từ các lọai hạt nhựa, vải, sắt thép... đến các loại nông sản thực phẩm. Ngay cả những loại nông sản VN vốn dồi dào như gạo, đậu xanh, đậu nành, khoai tây... nhiều DN cũng chọn nhập hàng từ Thái Lan, Đức, Đan Mạch  chứ không mua từ nội địa.

Theo một cán bộ Ban quản lý KCX – KCN TP, hàng nội chưa vào được KCX một phần là do có đến 70% - 80% nguyên liệu của các DN chế xuất do công ty mẹ hoặc đối tác nước ngoài cung cấp, chỉ định. Tuy nhiên, cũng phải kể đến nguyên nhân chủ quan từ các nhà cung cấp trong nước: chất lượng nguyên liệu nội địa chưa đồng bộ, qui mô nhỏ lẻ và chưa có đơn vị sản xuất tập trung, đầu mối cung ứng sản phẩm ổn định. Ngoài ra, các yếu tố giá cả, thủ tục xuất nhập khẩu... cũng ảnh hưởng đến sự chọn lựa mua hàng của DN chế xuất.

Bà Thích Nhuộc Khùy, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Đế Lĩnh chuyên sản xuất bún miến, xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật, Đài Loan, Philippines, Úc, Trung Đông, Đức và VN, cho biết: Một trong 2 loại nguyên liệu chính để sản xuất bún miến là tinh bột đậu xanh ướt mua từ VN, có hàm lượng dinh dưỡng cao, làm cho sợi bún miến trắng hơn, thơm hơn, được người tiêu dùng ở các thị trường khó tính ưa chuộng.

Thế nhưng, giá nguyên liệu trong nước thường cao hơn so với nhập từ nước ngoài khiến giá thành sản phẩm trong nước cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan nên khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Theo bà Khùy, nếu nguyên liệu của VN có mức giá bằng mức giá của khu vực thì công ty sẽ có được giá thành lợi thế hơn, tăng  sức cạnh tranh. Khi đó, không cần khuyến khích, các DN chế xuất cũng sẽ sử dụng nguyên liệu tại chỗ.

Thay đổi để bán hàng


Cũng là một DN xuất khẩu hàng nông sản đông lạnh, công ty Hatchando (KCX Tân Thuận) lại băn khoăn vấn đề khác. Công ty sử dụng nguyên liệu cà tím mua từ nông trường ở Tây Ninh là chủ yếu nhưng nguyên liệu phụ thuộc hoàn toàn vào mùa vụ; nếu được mùa, trung bình mỗi ngày có 3 xe tải giao hàng, nếu mất mùa thì chỉ có 1 xe.

Một đại diện công ty Hatchando cho hay: Công ty đã tham gia nhiều hội chợ về thực phẩm, nông sản nhưng không lĩnh hội được gì từ các hội chợ này. Tại VN, ít có hoạt động giao lưu, hội chợ để nông dân học hỏi kinh nghiệm, đóng góp ý kiến nhằm tăng hiệu quả canh tác. Cũng không có nhiều trường lớp dạy về nông nghiệp. Bên cạnh đó, nếu so với các nước thì hoạt động hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp tại VN rất ít khiến hàng nông nghiệp VN giảm lợi thế cạnh tranh so với các nước.

Theo các DN chế xuất, không kể đến các loại nguyên liệu cho các ngành sản xuất công nghiệp, công nghệ cao đòi hỏi tiêu chuẩn cao về chất lượng, kỹ thuật mà có lẽ phải một thời gian nữa DN nội địa mới có khả năng cung ứng. Hiện đối với các mặt hàng nông sản, DN rất muốn mua nguyên liệu từ nội địa và đây là cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu VN. Nếu tận dụng được cơ hội này cộng thêm sự hỗ trợ từ phía nhà nước, DN VN sẽ kết nối được với thị trường xuất khẩu tại chỗ đầy tiềm năng là các DN chế xuất. 
                                                          
Thuế xuất khẩu làm khó DN 
         
Mới đây, Công ty TNHH Theodore Alexander (KCX Linh Trung) đã kiến nghị Vụ chính sách thuế- Bộ Tài Chính, Tổng cục Thuế và Ban quản lý KCX – KCN TPHCM xem xét và điều chỉnh thuế xuất khẩu đối với nguyên vật liệu từ nội địa bán vào KCX. Ông Jess Rueloekke, tổng giám đốc công ty, cho biết: “Công ty sản xuất và xuất khẩu 100% hàng trang trí nội thất, nguyên liệu chính là gỗ xẻ mua từ các nguồn trong nước. Từ ngày 1-1-2009, nguyên liệu này phải chịu thuế xuất khẩu 10% đã gây khó khăn cho công ty. Chúng tôi phải gián tiếp gánh 10% thuế xuất khẩu này từ các nhà cung cấp nên chi phí nguyên vật liệu cao hơn nhiều so với DN cùng ngành không nằm trong KCX”.