TS Lê Xuân Nghĩa: Lạm phát đạt đỉnh 21-22% trong tháng 7-8 và sẽ hạ xuống 15% vào cuối năm
Trước tiên rủi tăng trưởng do tăng M2 của 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3% thì tăng trưởng GDP quý III và quý IV có thể chỉ tăng 4% do độ trễ chính sách thường là 6 tháng. Dẫn đến vòng quay của tiền có dấu hiệu suy giảm, dẫn đến luân chuyển hàng hóa chậm lại.
Như vậy nền kinh tế đối mặt với việc vừa lạm phát cao, lãi suất cao và tăng trưởng chậm. Rủi ro lạm phát đình đốn là có thể xảy ra.
Đối với rủi ro tín dụng của năm 2011 là rủi ro “thừa tiền” tạm thời, cục bộ nhưng NHTM không thể tăng cho vay ra do hạn chế tăng trưởng tín dụng, và giảm tín dụng phi sản xuất. Đối mặt với khó khăn đó các NHTM có xu hướng mua TPCP để giảm “lỗ” do huy động vốn giá cao.
Tuy nhiên chính việc NHTM không tăng tín dụng khiến các doanh nghiệp không tiếp cận tín dụng, khó khăn trong sản xuất kinh doanh, khiến cho khả năng thanh toán nợ thiếu vững chắc.
Điều này làm nợ xấu trong hệ thống NHTM tăng lên. Nợ xấu tăng từ 2,16% cuối năm 2010 lên 2,9% vào cuối tháng 6/2011.
Về rủi ro tỷ giá có nguyên nhân chính từ thâm hụt thương mại của nền kinh tế. Theo ước đoán năm 2011, thâm hụt thương mại Việt Nam khoảng 13,5 tỷ USD.
Trong khi đó FDI và FII của 6 tháng đầu năm có xu hướng giảm so với 2010 nhất là dòng vốn FII. Năm 2010, FII của 6 tháng đầu năm đạt 1,8 tỷ USD nhưng năm 2011 chỉ đạt 350 triệu USD.
Tỷ giá hối đoái chịu áp lực tăng còn bởi cầu ngoại tệ có khả năng tăng đột biến cuối năm. Lý do bởi nhiều doanh nghiệp đã vay ngoại tệ chuyển đổi sang nội tệ để phục vụ sản xuất kinh doanh. Đây là lượng cung USD “ảo” trong thời gian vừa qua nhưng nhiều khả năng biến thành cầu “thật” vào thời điểm cuối năm.
Minh chứng rõ ràng nhất cho rủi ro này là tăng trưởng ngoại tệ 6 tháng đầu năm đạt 23% trong khi tăng trưởng nội tệ chỉ đạt 6%.
Năm 2010 chênh lệch giữa huy động và cho vay ngoại tệ 6 tháng đầu năm là 41.000 tỷ nhưng sang 2011 mức chênh lệch lên tới 85.000 tỷ. Đến kỳ đáo hạn của khoản nợ ngoại tệ sẽ gây áp lực lớn cho tỷ giá.
Chưa kể mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Hoa Kỳ khá cao nên có thể nói VND được định giá cao hơn giá trị thực, kỳ vọng tăng tỷ giá khá lớn.
Cuối cùng là rủi ro từ chính sách tài khóa sang hệ thống ngân hàng do tín dụng của NHTM bị hút vào các tập đoàn kinh tế
Nếu tính cả số dư trái phiếu chính phủ thực tế thì tăng trưởng tín dụng đạt 9%. Đây là rủi ro cho lạm phát trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Trả lời câu hỏi vì sao dòng tiền đầu tư nhà đầu tư nước ngoài chưa vào Việt Nam, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng sự đánh giá của NĐT nước ngoài với kinh tế Việt Nam còn e ngại bởi những bất ổn vĩ mô của nền kinh tế.
“Trong 3 năm chỉ số tín nhiệm của Việt Nam bị hạ 12 bậc chính là đánh giá chuẩn xác nhất của NĐT nước ngoài về nền kinh tế Việt Nam”- ông Nghĩa chia sẻ.
Các chuyên gia khuyến nghị tiếp tục thắt chặt tiền tệ nhưng liều lượng hợp lý và phù hợp với chu kỳ kinh doanh. Thực hiện kiên trì mục tiêu chống dollar hóa như giảm trạng thái ngoại tệ xuống +/- 20% , tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ.
NHNN cần thực hiện các biện pháp điều tiết mang tính thị trường, bãi bỏ những quy định hành chính như trần huy động, không áp dụng tăng trưởng tín dụng cào bằng với các NHTM.
Tiếp tục duy trì ổn định thị trường liên ngân hàng và đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ. Khi duy trì được thị trường liên ngân hàng ổn định từ 3 tháng trở lên sẽ giúp cho lãi suất ở thị trường 1 giảm.