VEC cán mốc 11.000 tỷ đồng khối lượng hoàn thành tại các dự án cao tốc
Đây là thông tin được lãnh đạo VEC cho biết tại Hội nghị tổng kết năm 2016, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2017 tổ chức vào sáng nay.
Cụ thể, trong lĩnh vực đầu tư, tổng giá trị sản lượng của công trình đường cao tốc do VEC đầu tư năm 2016 đạt 11.000 tỷ đồng đạt 101,6% kế hoạch; giải ngân đạt 9.241 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch, trong đó các dự án có khối lượng giải ngân lớn là: Đà Nẵng – Quảng Ngãi (sản lượng đạt 5.727 tỷ đồng, giải ngân đạt 4.130 tỷ đồng); Bến Lức – Long Thành (sản lượng đạt 4.421 tỷ đồng, giải ngân đạt 3.328 tỷ đồng).
VEC cho biết là tại Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, các nhà thầu đã cơ bản hoàn thành kết cấu cầu, cống và nền móng đoạn do JICA tài trợ và hoàn thiện 90% phần nền đường đoạn WB tài trợ để hướng tới mục tiêu thông xe đoạn JICA tài trợ trong quý II/2017 và thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2017. Đối với Dự án Bến Lức - Long Thành, trong năm 2016, VEC đã tiến hành hợp long cầu Sông Chà, cột mốc đầu tiên trong quá trình triển khai công trình.
Để đạt mục tiêu này, VEC dự kiến sẽ thu xếp được 19.526 tỷ đồng, trong đó các hiệp định khoản vay với các nhà tài trợ với tổng giá trị khoảng 16.736 tỷ đồng; huy động từ NSNN và các nguồn vốn khác khoảng 1.688 tỷ đồng để chi trả cho công tác GPMB và thu xếp 985 tỷ đồng để trả nợ gốc cho các khoản vay đến hạn.
Cũng trong năm 2016, VEC đã xây dựng và trình Bộ GTVT phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của đơn vị; chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2016 – 2020; phương án tài chính 5 Dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, VEC đã xây dựng và trình Bộ GTVT cơ chế đầu tư các dự án mới theo hình thức PPP; quy chế quản lý tài chính của VEC,
“Việc xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách còn thiếu này nhằm tạo một hành lang pháp lý đầy đủ cho mô hình hoạt động VEC đồng thời đảm bảo cho VEC tiếp tục phát triển trong thời gian tới”, ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty cho biết.
Được biết, ngoài 5 dự án đã và đang triển khai đầu tư, VEC dự kiến tham gia đầu tư theo hình thức PPP – BOO vào một số công trình đường cao tốc như: Hà Nội – Lạng Sơn, đoạn Chi Lăng – Hữu Nghị; Biên Hòa – Vũng Tàu; Quảng Ngãi – Quy Nhơn và Phan Thiết – Nha Trang.
Cùng với việc tìm kiếm các nguồn vốn thông qua hợp tác với các nhà đầu tư quốc tế, VEC đã lên kế hoạch chuyển nhượng O&M Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình; nhượng quyền thu phí Dự án Nội Bài – Lào Cai để lấy vốn đầu tư vào một số tuyến cao tốc khác. Hai đề án nhượng quyền này sẽ được VEC hoàn thiện trình Bộ GTVT phê duyệt ngay trong quý I/2017.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, mục tiêu của Bộ GTVT đến năm 2020, cả nước sẽ có trên 2.000 km đường cao tốc, để hiện thực hóa mục tiêu này, trước hết VEC sẽ phải là một trong những đơn vị nòng cốt đi đầu. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng yêu cầu trong năm 2017, lãnh đạo tổng công ty phải nhanh chóng tổ chức VEC theo đúng mô hình đã được Bộ GTVT phê duyệt. Đầu tiên, VEC phải xác định xong vốn điều lệ ở mức độ cho phép, sau đó, tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên và tổng công ty mẹ theo hướng nhà nước chi phối cổ phần từ 65 – 70%.
“VEC phải đạt được hơn nửa trong số đó mới xứng đáng là tổng tổng ty lớn trong lĩnh vực đầu tư đường cao tốc”, Thứ trưởng Trường nói.