Việt Nam đăng cai Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2010
Với chủ đề “Nâng cao vai trò lãnh đạo của Châu Á”, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận 4 nội dung chính: Vai trò lãnh đạo của Châu Á; Những rủi ro toàn cầu; Lộ trình tăng trưởng xanh của Châu Á; Lộ trình tăng trưởng của châu Á trong tương lai. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu khai mạc Hội nghị.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Hàng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu.
Hội nghị WEF Đông Á là một trong những sự kiện khu vực quan trọng nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Việc tổ chức Hội nghị WEF Đông Á 2010 tại Việt Nam vào thời điểm này nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam khi kinh tế thế giới và khu vực có nhiều dấu hiệu phục hồi khả quan; Quảng bá tích cực cho Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi, các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm những thị trường ổn định và có tiềm năng phát triển để mở rộng đầu tư; Tạo điều kiện cho công đồng doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, học hỏi và mở rộng cơ hội giao thương với nước ngoài; Tăng cường đối thoại chính sách giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hội nghị có khoảng gần 20 phiên, bao gồm 5 phiên toàn thể (trong đó có hai phiên tranh luận trực tuyến - TV Debate), hơn 10 phiên thảo luận tiến hành song song cùng một số sự kiện bên lề. Hội nghị sẽ có 4 ngôn ngữ làm việc chính thức: Anh, Việt, Trung và Nhật.
Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hoặc tháng 2 hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh Hội nghị Davos, hàng năm WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF về Đông Á, Hội nghị WEF về Ấn Độ, Hội nghị WEF về Mỹ La tinh, Hội nghị WEF về Trung Đông v.v... Các diễn đàn khu vực này là nơi trao đổi và phân tích đánh giá các vấn đề phát triển của khu vực.
Việt Nam và WEF có quan hệ từ năm 1989. WEF thường mời Việt Nam tham dự các Hội nghị thường niên tại Davos và các Hội nghị của WEF về Đông Á. Đặc biệt, đánh giá cao những thành tựu kinh tế ngoạn mục của Việt Nam, năm 2007, Chủ tịch WEF đã mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị WEF Davos 2007. Chuyến đi của Thủ tướng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nâng cao được vai trò và hình ảnh của Việt Nam qua các hoạt động Diễn đàn. Tại các hội nghị tiếp sau đó của WEF, Việt Nam đều nhiều lần tham dự ở cấp cao (Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng dự WEF Đông Á 2007, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự WEF Davos 2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự WEF Đa-vốt 2008, WEF Đông Á 2009 và WEF Đại Liên 2009).
Hiện tại, Việt Nam có 12 tập đoàn/ tổng công ty lớn là thành viên của WEF, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Vinacapital là hai thành viên sáng lập; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tổng công ty Xuất nhập Khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Thép (Vinasteel), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty Cổ phần Xây dựng số 1 (Cofico), Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SIG), Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (AGRIBANK), Tập đoàn Tân Tạo (Tan Tao Group) là thành viên Nhóm các doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng toàn cầu (GGC).