Việt Nam là quốc gia đang phát triển tốt
Theo ông M.Rama, mặc dù Việt Nam gặp nhiều khó khăn do sự suy thoái của nền kinh tế thế giới, suy giảm tiêu dùng của các thị trường lớn như Bắc Mỹ, Châu Âu dẫn đến khó khăn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may.
Nhưng mặt khác, do nhu cầu hàng hóa và nguyên liệu thế giới suy giảm khiến giá cả giảm theo điều này có lợi cho nhập khẩu. Do vậy thâm hụt thương mại của Việt Nam cũng sẽ giảm dần so với trước.
Bên cạnh đó, không chỉ có Việt Nam chịu tác động tiêu cực của tình trạng suy thoái kinh tế, các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam thậm chí còn chịu tác động lớn hơn do chiếm thị phần cao.
Do vậy Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng kim ngạch cao như dệt may, da giầy, đồ gỗ. Ông Rama nhận định, xuất khẩu của Việt Nam cuối năm nay và sang năm 2009 có thể giảm nhưng không nhiều và không đáng lo ngại như một số dự báo.
WB đánh giá Việt Nam là quốc gia xuất khẩu mạnh mẽ có năng lực cạnh tranh cao với tổng số vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam trong những năm gần đây. Đây chính là động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Giám đốc WB tại Việt Nam cũng khẳng định sẽ tiếp tục chung tay cùng Chính phủ Việt Nam trong sự nghiệp chống đói nghèo. WB cam kết sẽ dành cho Việt Nam khoản viện trợ 1 tỷ USD/năm cho việc xóa đói giảm nghèo.
Đồng thời, WB cũng đưa Việt Nam vào danh sách 1 trong 5 quốc gia đang phát triển được hưởng khoản tín dụng 1,5 tỷ USD trong 3 năm theo các điều kiện của Ngân hàng tái thiết và phát triển. Với khoản tín dụng trên, WB đã đánh giá Việt Nam là quốc gia đang phát triển tích cực và hoàn toàn có khả năng trả nợ những khoản vay như thế. “WB luôn sẵn sàng cung ứng vốn cho Việt Nam”, ông Rama khẳng định.
Ông M.Rama cũng cho rằng, lạm phát hay giảm phát hiện nay không phải là mối lo ngại hàng đầu của Việt Nam. Mà ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay đó là hướng tới ổn định để phát triển kinh tế.
Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm nay (từ 4-5/12) dự kiến sẽ tập trung vào chủ đề ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng. Cụ thể là các nhóm tư vấn cùng đại diện các nhà tài trợ sẽ cùng thảo luận, đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2006-2010, tiến bộ đạt được trong các mục tiêu Thiên niên kỷ, cập nhật tình hình đói nghèo ở Việt Nam. |